Học dự bị tại Đức: Kinh nghiệm học khối T – Kurs

du bi khoi T Vicat
Rate this post

Bài viết dưới đây VICAT sẽ cung cấp những thông tin bạn cần biết về việc học dự bị (Studienkolleg – STK) khối T – Kurs ở Đức bao gồm chương trình học, các kỳ thi, cách tính điểm và một số lưu ý quan trọng. Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo.

 

 1. Chương trình học của T – Kurs tại STK Hamburg

Tại trường dự bị Đại học Hamburg, khối T có lịch học nặng nhất vì sinh viên sẽ học 19 tiết một tuần (90 phút/tiết). Chương trình học của các lớp do chính giáo viên dạy môn đó soạn chứ không có giáo án chung. Khối T chia làm 2 lớp với 2 trọng tâm là Khoa học Tự nhiên – Kỹ thuật và Tin học với các môn cụ thể như sau:

Toán (4 tiết/ tuần)

Nội dung môn Toán khá rộng và dàn trải suốt chương trình học cấp 3 tại Việt Nam. Ngoài ra có thêm cả phần ma trận của Toán cao cấp được dạy trong đại học.

Trong kỳ 1, sinh viên được củng cố lại kiến thức môn Toán của bậc THPT ở một mức độ cơ bản với rất ít bài tập phải dùng mẹo hay phương pháp đặc biệt để giải. Kỳ thi cuối kỳ sẽ có các câu hỏi thực tế đòi hỏi sinh viên phải hiểu và ứng dụng kiến thức đã học để giải.

Trong kì 2 sẽ có nhiều kiến thức mới hơn về mảng ma trận, xác suất, tương đối khó và trừu tượng. Bài thi cuối năm (Feststellungsprüfung) sẽ bao gồm kiến thức cả 2 kì nhưng giáo viên sẽ ra trọng tâm để ôn.

Lý (4 tiết/ tuần)

Chương trình học bao gồm các kiến thức về Điện, Điện trường, Cơ học, Nhiệt. Tuy nhiên cũng giống môn Toán, nội dung học môn này được xây dựng với tính ứng dụng cao. Sinh viên phải hiểu bản chất vấn đề để có thể áp dụng và giải thích những hiện tượng thực tế, việc làm bài tập giải thích này cũng đòi hỏi nhiều kiến thức tiếng Đức.

Trong giờ thực hành, sinh viên được chia nhóm thực hiện bài tập gồm 7 thí nghiệm trong một số buổi nhất định. Sau khi hoàn thành thí nghiệm, sinh viên phải xử lý kết quả, phân tích và dùng kết quả đó để giải thích các câu hỏi được giao. Tất cả được trình bày trong một tập báo cáo thí nghiệm đúng tiêu chuẩn quy định.

Hoá (3 tiết/ tuần)

Chương trình học có nhiều khác biệt nhất so với chương trình học tại Việt Nam. Thay vì tập trung tính toán và giải bài, sinh viên được yêu cầu học hiểu các khái niệm cơ bản như số Mol, khối lượng Mol, số Avogadro hay giải thích cấu trúc và sự hình thành của từng phân tử. Ngoài ra, sinh viên phải tham gia các giờ thực hành, xử lý và báo cáo kết quả tương tự môn Lý.

Tin (1 tiết/ tuần)

Với lớp trọng tâm Khoa học Tự nhiên – Kỹ thuật, điểm của môn Tin được tính là 1/5 tổng điểm môn Toán nên trên giấy chứng nhận tốt nghiệp dự bị đại học (Zeugnis der Feststellungsprüfung vom Studienkolleg) sẽ không thấy Informatik. Nội dung học là C++. Có lẽ sẽ tương đối phức tạp nếu bạn chưa có kinh nghiệm lập trình.

Tiếng Anh (3 tiết/ tuần)

Sinh viên được chia lớp theo sát hạch chất lượng đầu kỳ, theo đó sẽ có 3 trình độ tương đương với 3 lớp A2, B1 và B2.

Tiếng Đức (4 tiết/ tuần)

Môn quan trọng nhất trong quá trình học dự bị đại học tại Đức vì nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn trong giai đoạn này là chuẩn bị sẵn sàng về mặt ngôn ngữ. Trong giờ tiếng Đức sinh viên sẽ được học ngữ pháp, đọc (Lesen), viết (Schreiben), nói (Sprechen) và nghe (Hören). Khối T-Kurs yêu cầu về môn tiếng Đức không cao như khối G hay W nên khối lượng kiến thức nhẹ hơn.

chuong trinh hoc du bi khoi T Duc Vicat

T-Kurs là viết tắt của Technik-Kurs có nghĩa là khối ngành kỹ thuật.

2. Thi cử và cách tính điểm

Thi giữa kỳ Klausur

Mỗi môn học của T-Kurs sẽ có 2 – 3 Klausur trong một kỳ. Bên cạnh đó sẽ có thêm “điểm miệng” dựa vào mức độ chuyên cần, việc tham gia trả lời câu hỏi trong giờ và hoàn thành bài tập về nhà. Điểm của bài kiểm tra viết (Klausur) và điểm miệng sẽ được tính trung bình rồi cho ra điểm tổng kết môn (Vornote).

Thi cuối năm Feststellungsprüfung (FSP)

  • Toán và Tiếng Đức là 2 môn bắt buộc thi viết
  • Chọn 1 trong 3 môn Lý, Hoá, Tiếng Anh để thi nói, 1 môn thi viết và 1 môn giữ điểm Vornote làm điểm tổng kết cuối năm (Endnote)
  • Môn Tin sẽ xuất hiện dưới dạng một câu hỏi nhỏ trong bài thi Toán

VD: Những môn thi FSP của bạn như sau:

  • Thi viết: Toán, Hoá, Tiếng Đức
  • Thi nói: Tiếng Anh
  • Giữ điểm tổng kết (Vornote) môn Lý làm điểm tổng kết năm (Endnote).

Điểm tổng kết cuối cùng (Gesamtnote) được tính: 49% điểm Vornote và 51% điểm thi FSP.

 

du bi khoi T Vicat 2

 

3. Một số lưu ý trong quá trình học tập

  • Hãy chủ động hỏi nếu bạn không hiểu điều gì đó trong giờ lên lớp.
  • Nhiều kiến thức bạn đã học ở Việt Nam nhưng vẫn nên lắng nghe cách mà bạn cùng lớp đặt câu hỏi và tìm lời giải. Đôi khi bạn sẽ thấy ngạc nhiên về sự sáng tạo và ham hiểu biết của họ.
  • Cố gắng tạo một mối quan hệ tốt với giáo viên qua việc tham gia đóng góp bài giảng trên lớp, gặp gỡ ngoài giờ học cũng như trao đổi qua email. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên giá trị trong quá trình chuẩn bị vào đại học.
  • Học tiếng Đức không chỉ trong giờ tiếng Đức mà mọi lúc mọi nơi, từ giáo viên và bạn bè quốc tế.
  • Hãy tận dụng thời gian rảnh để tìm hiểu về ngành học tương lai và xã hội Đức, một đất nước Tây Âu phát triển hàng đầu thế giới.

>> Học dự bị tại Đức: Kinh nghiệm học khối G

>> Học dự bị tại Đức: Kinh nghiệm học khối M

>> Học dự bị tại Đức: Kinh nghiệm học khối W

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!