Có thể có nhiều người trong chúng ta đã từng nghĩ vào giai đoạn đầu chuẩn bị du học Đức rằng, việc phải học một năm tại trường dự bị đại học (Studienkolleg) thật phiền phức và tốn thời gian, làm chúng ta bị “tụt hậu” so với bạn bè cùng trang lứa học ở Việt Nam hay ở Anh/Mỹ. Bản thân tôi cũng đã từng nghĩ vậy. Tuy nhiên sau khi hoàn thành khoá học tại STK Hamburg, tôi đã nhận ra khoảng thời gian đó giá trị như thế nào.
Trong bài viết này tôi sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quát về việc học khối T (Technik) tại STK Hamburg cũng như chia sẻ một số nhận định và kinh nghiệm của cá nhân.
1. Chương trình học của T-Kurs tại STK Hamburg
Tại trường dự bị ĐH Hamburg, khối T là khối có lịch học nặng nhất, tức là kín tất cả các giờ học: từ thứ 2 đến thứ 5 mỗi ngày 4 tiết, thứ 6 có 3 tiết (tiết ở đây là Doppelstunde kéo dài 90’).
Các môn học của khối T bao gồm: Toán, Lí, Hoá, Tin, tiếng Đức và tiếng Anh.
Trước khi đi vào chi tiết từng môn, cần lưu ý với các bạn rằng ở STK Hamburg khối T được chia làm 2 lớp với 2 trọng tâm khác nhau: khoa học tự nhiên – kĩthuật hoặc tin. Sự khác biệt cơbản của 2 lớp này là: lớp KHTN học nhiều Lí hơn còn lớp Tin học nhiều Tin hơn.
Điểm lưu ý thứ 2 là chương trình học của các lớp do chính giáo viên dạy môn đó soạn chứ không có một khung chương trình chung cho tất cả. Điều đó nghĩa là, có thể A và B cùng học lớp T KTHN ở 2 kì khác nhau, nhưng chương trình học của A lại không giống B do giáo viên của hai bạn khác nhau. Mình học lớp KHTN nên những chia sẻ dưới đây là từ kinh nghiệm ở lớp này.
- Toán: 4 tiết/ tuần. Nội dung môn Toán khá rộng và dàn trải suốt chương trình học cấp 3 tại Việt Nam, có thêm cả phần ma trận của Toán cao cấp được dạy trong đại học. Với lớp mình, các nội dung trọng tâm bao gồm: đồ thị hàm số, đạo hàm, tích phân và ứng dụng tích phân, véc-tơ, ma trận, xác suất… Trong kì 1, chương trình học hoàn toàn là những thứ học sinh cấp 3 ở nhà mình đã học, ở một mức độ cơ bản, không có (hoặc rất ít) các bài tập phải dùng mẹo hay phương pháp đặc biệt để giải. Các bạn sẽ không nhận được một tờ bài tập 50 câu tích phân về nhà làm. Tuy nhiên lại có nhiều bài tập giải thích và ứng dụng. Ví dụ như khi học đạo hàm, học sinh phải nắm được đạo hàm là gì, có ý nghĩa như thế nào, được biểu diễn như thế nào, được ứng dụng trong thực tế ra sao. Trong bài thi sẽ có các câu hỏi thực tế đòi hỏi người làm phải hiểu và ứng dụng kiến thức học trước đó để giải. Trong kì 2 sẽ có nhiều kiến thức mới hơn về mảng ma trận, xác suất, tương đối khó và trừu tượng. Bài thi cuối năm (Feststellungsprüfung) sẽ bao gồm kiến thức cả 2 kì, nhưng giáo viên sẽ ra trọng tâm để ôn. Nói tóm lại, nếu bảo học Toán khối T đơn giản với sinh viên Việt Nam thì không đúng, tuy nhiên nếu chúng ta học một cách chủ động hơn (học để hiểu bản chất) và phát huy tinh thần chăm chỉ cày cuốc của học sinh Việt thì kein Ding!
- Lí: 4 tiết/ tuần. Các chủ đề học của môn Lí cũng đều là những thứ đã được dạy ở nhà, ví dụ: Điện, Điện trường, Cơhọc, Nhiệt… Tuy nhiên cũng giống môn Toán, nội dung học môn Lí được xây dựng theo hướng ứng dụng cao. Người học phải hiểu bản chất vấn đề để giải thích nhiều hiện tượng thực tế, việc làm bài tập giải thích này cũng đòi hỏi nhiều kiến thức tiếng Đức. Bên cạnh đó, học sinh sẽ được làm thí nghiệm khá thường xuyên. Việc làm thí nghiệm trong môn Lí khá mới mẻ với mình vì nó không giống kiểu ở trường cấp 3, “kiểu” đó cụ thể là làm hơi qua loa và độ chính xác không cao tại giờ thí nghiệm giống nhưmột hôm xả hơi. Việc làm thí nghiệm ở STK của mình thì ngược lại, hơi căng thẳng. Thí nghiệm sẽ được làm theo nhóm, mỗi nhóm có một tập bài gồm 7 thí nghiệm phải hoàn thành trong một số buổi nhất định. Quá trình làm thí nghiệm phải diễn ra nhanh chóng và chính xác. Sau khi làm xong thí nghiệm phải về nhà xử lí kết quả, phân tích và dùng kết quả đó để giải thích các câu hỏi được giao. Tất cả được trình bày trong một tập báo cáo thí nghiệm đúng tiêu chuẩn quy định. Để tham khảo một số kiến thức và bài tập môn Lí bằng tiếng Đức, các bạn có thể truy cập vào website: http://www.leifiphysik.de . Đây cũng là trang web bọn mình được giới thiệu để tự học ở nhà. Lớp T còn lại do khác trọng tâm nên chương trình học Lí nhẹ nhàng hơn: ít chủ đề hơn và học chậm hơn.
- Hoá: 3 tiết/ tuần. Môn này là môn khác nhất so với chương trình học ở Việt Nam. Thay vì ngồi làm bài tập tính toán và bấm máy tính liên tục thì bọn mình phải tập trung học các khái niệm cơbản của Hoá học, nhưMol, khối lượng Mol, số Avogadro… hay giải thích sự hình thành và cấu trúc nguyên tử, phân tử… Đôi khi mình có cảm giác học Hoá giống nhưhọc tiếng Đức vì phải giải thích bằng từ ngữ rất nhiều và từng câu phải được viết thật chính xác (khoa học mà). Bên cạnh đó cứ 2 tuần 1 lần lại có giờ thí nghiệm. Giống nhưmôn Lí, việc làm thí nghiệm và viết báo cáo cũng được làm rất chính xác và chuyên nghiệp. Nói chung, Hoá không hề khó, tuy nhiên phải cẩn thận và tỉ mỉ.
- Tin: 1 tiết/ tuần. Đối với lớp mình là lớp KHTN, mỗi tuần sẽ có 1 tiết Tin, điểm của môn Tin sẽ được tính là 1/5 tổng điểm môn Toán, thế nên trên Zeugnis sẽ không thấy Informatik. Nội dung học là C++. Có lẽ sẽ tương đối phức tạp nếu bạn chưa có kinh nghiệm lập trình.
- Tiếng Anh: 3 tiết/ tuần. Ở STK Hamburg, môn tiếng Anh không học theo Kurs mà theo lớp riêng, xếp theo trình độ. Vào đầu kì sẽ có 1 bài thi xếp lớp, có các lớp A2, B1 và B2. Ở trình độ B2 học sinh có thể trọn các Modul khác nhau để học, ví dụ nhưEconomics, Politics, Inter-Culture hay Presentation. Lớp mình học hồi đó là lớp Politics, một lớp mình rất thích vì chủ đề học cực hay và thời sự (hồi đấy mình được học về Stereotypes và Whistle-blowing). Thỉnh thoảng sẽ có bài tập về nhà, có thể là bài thuyết trình hoặc essay, sẽ được tính vào điểm miệng của bạn. Nhìn chung việc học tiếng Anh khá thoải mái do bạn sẽ được học trong lớp phù hợp với trình độ và đôi khi được chuyển từ tiếng Đức sang tiếng Anh quả là một cảm giác giải thoát dễ chịu :))
- Tiếng Đức: 4 tiết/ tuần. Môn tiếng Đức theo mình là môn quan trọng nhất trong quá trình học dự bị đại học tại Đức vì xét cho cùng, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta trong giai đoạn này là chuẩn bị sẵn sàng về mặt ngôn ngữ. Trong giờ tiếng Đức chúng ta sẽ học: ngữ pháp (từ ôn lại cơbản đến nâng cao), đọc (Lesen), viết (Schreiben), nói (Sprechen) và nghe (Hören). Bạn cũng có cơhội làm bài thuyết trình về chủ đề tự chọn, không bắt buộc, nhưng mình khuyên là nên làm. Trong giờ tiếng Đức các bạn Việt Nam sẽ nhanh chóng nhận ra một sự thật là mình khá chắc ngữ pháp, làm 10 câu đúng cả 10 nhưng lúc nói thì cứ lắp bắp và rất khó để nhảy vào tham gia các cuộc tranh luận với bạn cùng lớp. Trong T-Kurs yêu cầu về môn tiếng Đức không cao nhưkhối G hay W. Điều đó nghĩa là kiến thức ít hơn, chủđề kém đa dạng hơn và học nhàn hơn. Mình thấy hơi thất vọng về điểm này. Nếu bạn học T-Kurs, hãy cố tận dụng các tiết tiếng Đức để thực hành nghe nói thật nhiều, để được giáo viên và các bạn sửa hộ mình, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của giáo viên, họ luôn luôn sẵn sàng trả lời các thắc mắc cũng nhưchữa bài viết cho bạn.
Túm lại một cái: không khó nhưng hơi vất vả, chăm chỉ và học chủ động sẽ đạt được mục tiêu.
2. Thi cử và cách tính điểm
Mỗi môn sẽ có 2 – 3 Klausur trong một kì. Bên cạnh đó sẽ có thêm “điểm miệng” được ra dựa vào sự tham gia vào tiết học của bạn cũng như làm bài tập về nhà, trả lời câu hỏi của giáo viên. Điểm của Klausur và điểm miệng sẽ được tính trung bình, cho ra Vornote.
Kì thi cuối năm Feststellungsprüfung:
- Toán và Tiếng Đức là 2 môn bắt buộc thi viết
- Chọn 1 trong 3 môn Lí, Hoá, Tiếng Anh để thi nói, trong 2 môn còn lại sẽ có 1 môn thi viết và 1 môn giữ điểm Vornote làmđiểm tổng kết cuối năm (Endnote).
- Môn Tin sẽ xuất hiện dưới dạng một câu hỏi nhỏ trong bài thi Toán.
VD: Những môn thi FSP của mình như sau: Thi viết: Toán, Hoá, Tiếng Đức. Thi nói: Tiếng Anh. Giữ điểm Vornote môn Lí làm Endnote. Điểm tổng kết (Gesamtnote) được tính: 49% điểm Vornote và 51% điểm thi FSP.
Một điểm đặc biệt ở STK Hamburg là bạn có thể làm bài thi FSP sau khi học xong kì 1, kì thi này gọi là Freischuss. Điều kiện là điểm Vornote môn bạn muốn thi Freischuss phải nằm trong khoảng 1-2 và bạn cần được sự đồng ý của hội đồng giáo viên trong cuộc họp trước kì thi. Kết quả của Freischuss nếu tốt bạn có thể giữ để làm Gesamtnote luôn và kì 2 bạn không phải học môn đó nữa. Nếu kết quả không tốt bạn có thể bỏ và tiếp tục học môn đó, đến cuối kì 2 lại thi FSP như thường.
3. Kinh nghiệm học tập
- Học tập chủ động: nếu bạn không hiểu gì hãy hỏi, nếu bạn muốn tìm hiểu vấn đề gì hãy đề nghị, nếu bạn thấy không đồng ý hãy lên tiếng.
- Hãy cởi mở trong học tập: có nhiều kiến thức bạn đã học ở Việt Nam nhưng hãy lắng nghe cách mà bạn học của mình đặt câu hỏi và tìm lời giải, đôi khi bạn sẽ thấy ngạc nhiên về sự sáng tạo và ham hiểu biết của họ. Bên cạnh đó hãy cố gắng tạo một mối quan hệ tốt với giáo viên qua việc tham gia bài học trên lớp, gặp gỡ ngoài giờ học cũng như trao đổi Email. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên giá trị trong quá trình chuẩn bị vào đại học.
- Học tiếng Đức! Học tiếng Đức không chỉ trong giờ tiếng Đức mà mọi lúc mọi nơi, học từ giáo viên và bạn bè. Hãy chơi với sinh viên quốc tế, lắng nghe họ nói và học. Ở STK Hamburg trong một lớp không được phép có hơn 3 sinh viên cùng quốc tịch. Trong lớp mình là người Việt Nam duy nhất nên tiếng Đức là bắt buộc, nếu khó diễn tả quá có thể nhờ tiếng Anh trợ giúp. Đừng lo vì tất cả đều là người nước ngoài nên những tình huống khó diễn đạt thường xuyên xảy ra. Học tiếng Đức không bao giờ là đủ nên hãy cố gắng tận dụng thời gian này, để sau này không phải bật khóc trên giảng đường đại học.
- Học bên ngoài lớp học: Học STK không chiếm hết thời gian của bạn, hãy tận dụng thời gian còn lại để tìm hiểu về ngành học tương lai, về xã hội Đức và rất rất nhiều điều có thể khám phá ở một đất nước Tây Âu phát triển hàng đầu thế giới.
- Bạn bè: Mình liệt kê mục này vào đây luôn vì nó cũng là một phần của quá trình học tập. Theo kinh nghiệm của nhiều thế hệ sinh viên Việt học T-Kurs thì chúng ta thường không gặp nhiều khó khăn trong việc kết bạn. Sau khoảng 2 – 3 tuần học đầu tiên bạn sẽ có khả năng cao nhận được lời mời học nhóm từ nhiều đến rất nhiều bạn cùng lớp. Việc học cùng lớp với khoảng 20 người khác đến từ các nền văn hoá khác nhau sẽ là một trải nghiệm quý giá cho những du học sinh Việt tại Đức. Xã hội Đức là một xã hội nhập cư với hàng triệu người từ khắp nơi đổ về đây nên tăng vốn hiểu biết về văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị sẽ là một điểm thuận lợi cho tương lai của bạn. Bạn có thể nghe chuyện cuộc sống vùng chiến sự từ chính một người bạn đến từ Syria hay nghe về các tập tục của đạo Hồi từ một người bạn Marocco hay bàn về nhạc Big Bang với một bạn Hàn Quốc :))
4. Kết
Khoảng thời gian học dự bị đại học là một khoảng thời gian vô cùng đẹp và quý giá trong đời bất cứ du học sinh nào tại Đức. Hãy tận dụng nó để họ và trải nghiệm những điều mới mẻ. Đừng quá vùi đầu vào sách vở, điều đó đang đợi bạn ở các trường TU/Uni/FH, ngoài kia cũng có nhiều điều xuất sắc lắm
Giới thiệu tác giả:Nguyễn Duy Linh
– Sinh năm 1995 tại Hà Nội.
– Tốt nghiệp trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.
– Tốt nghiệp khối T tại STK Hamburg.
– Sinh viên ngành Geography tại Universität Hamburg.
Bài viết thuộc bản quyền của công ty VICAT. Vui lòng dẫn nguồn khi chia sẻ bài viết. Xin cảm ơn!