Mức lương cơ bản của điều dưỡng viên tại Đức, số ngày nghỉ phép, nghỉ lễ trong năm hay trợ cấp thai sản cho cả bố và mẹ… đều là những quyền lợi mà một điều dưỡng viên người nước ngoài được hưởng khi làm việc tại Đức. Bài viết dưới đây tổng hợp một số quyền lợi cơ bản mọi người cần biết khi lựa chọn du học nghề điều dưỡng Đức.
Thông tin được bổ sung ngày 20.05.2024
Chính sách hỗ trợ cho người nước ngoài học điều dưỡng
Do nhu cầu về nhân lực ngành điều dưỡng ngày càng lớn nên Chính phủ Đức đã xây dựng nhiều chính sách để thu hút người lao động từ các nước, cụ thể bao gồm:
- Miễn toàn bộ học phí trong thời gian học nghề
- Nhận trợ cấp ngay trong thời gian học
- Cơ hội việc làm ổn định, không lo thất nghiệp sau khi ra trường
- Cơ hội thăng tiến rộng mở
- Áp dụng chính sách định cư, nhập tịch thông thoáng
Bằng cấp đào tạo ngành điều dưỡng tại Đức còn được công nhận trên toàn Châu Âu cũng như thế giới. Đặc biệt, năm 2024, VICAT tiếp tục phối hợp với C Mind, Ltd. và Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế khởi động dự án hỗ trợ 100% chi phí cho sinh viên du học nghề Điều dưỡng Đức, bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại website: https://gavic.edu.vn/.
>> Thông tin từ chính phủ Đức về chương trình du học nghề điều dưỡng Đức 2022
Quyền được ưu tiên định cư và nhập quốc tịch Đức
Người lao động có công việc ổn định, đóng thuế và bảo hiểm xã hội đầy đủ sau 4 năm sẽ được quyền định cư. Những người có trình độ tiếng Đức B1 trở lên sau 8 năm sẽ có cơ hội được nhập tịch Đức. Tuy nhiên, điều dưỡng viên chỉ cần sau 3 năm đã đủ điều kiện được xét duyệt nhập quốc tịch vì họ làm việc trong ngành mà đất nước này đang thiếu nhân lực. Với các bạn theo học hệ 3 năm ngành điều dưỡng tại Đức thì ngay từ khi tốt nghiệp các bạn đã đủ điều kiện rồi vì trong 3 năm học các bạn được vừa học vừa làm, đóng thuế và bảo hiểm lương hưu đầy đủ. Để biết thêm thông tin chi tiết về quyền này, bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Du học Đức nên chọn ngành nào để dễ định cư?” của VICAT.
>> 3 hình thức định cư phổ biến tại Đức và điều kiện
Quyền được hưởng mức lương cơ bản và tăng hàng năm
Theo báo cáo của Trung tâm thống kê Y tế Đức, kể từ ngày 01/ 5/ 2024 mức lương tối thiểu cho người lao động trong ngành Điều dưỡng sẽ được chia thành ba hệ dựa trên bằng cấp và đều được tăng như sau:
- Đối với trợ lý điều dưỡng không có bằng cấp: tăng lên 15.50 Euro
- Đối với trợ lý điều dưỡng có bằng cấp (ít nhất một năm đào tạo): tăng lên 16.50 Euro
- Đối với chuyên gia điều dưỡng (ít nhất 3 năm đào tạo): tăng lên 19.50 Euro
Đặc biệt, mức lương tối thiểu của điều dưỡng viên sẽ tiếp tục tăng vào 1/ 7 / 2025 theo chính sách của Chính phủ Đức.
Các nhà tuyển dụng không được phép trả lương thấp hơn số tiền theo quy định. Nếu bị phát hiện phạm quy về lương cơ bản, nhà tuyển dụng có thể phải đóng tiền phạt lên đến 500 Euro (14 triệu đồng). Tuy nhiên bạn nên lưu ý là mức lương cơ bản này không áp dụng cho các nhóm đối tượng vị thành niên, thực tập sinh và sinh viên học nghề mà chỉ dành cho người lao động chính thức đã có bằng nghề.
>> Lợi thế khi du học nghề Đức ngành điều dưỡng năm 2024
Quyền được hưởng lương thưởng/trợ cấp hàng năm
Theo iGZ-Tarifwerk (Thỏa thuận thương lương của Cơ quan Việc làm tại Đức), nhân viên điều dưỡng phải nhận được những khoản trợ cấp bổ sung tối thiểu sau:
- Tiền trợ cấp làm thêm giờ: 25% mức lương cơ bản;
- Tiền trợ cấp trực đêm: dao động từ 25% đến 40% mức lương cơ bản;
- Tiền trợ cấp làm việc cuối tuần: 25% mức lương cơ bản;
- Tiền trợ cấp ngày lễ: 35% mức lương cơ bản. đặc biệt tiền trợ cấp vào các ngày lễ đặc biệt như tết có thể lên đến 50%;
Đặc biệt các khoản tiền trợ cấp đều được miễn thuế. Các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về 7 loại tiền trợ cấp cho điều dưỡng viên ở Đức tại đây. Bên cạnh các loại tiền trợ cấp nêu trên, điều dưỡng viên tại Đức còn nhận được các khoản tiền thưởng đặc biệt do Chính phủ Đức công bố riêng hàng năm.
Thời gian làm việc không quá 8 tiếng/ ngày
Theo Luật An toàn lao động của Đức (Arbeitszeitgesetz), số ngày làm việc trong tuần của người lao động là từ thứ 2 tới thứ 7, một ngày không được làm việc quá 8 tiếng và một tuần không được quá 48 tiếng. Tuy nhiên với một số công việc đặc thù như điều dưỡng viên, y tá hay bác sĩ,… thì thời gian lao động mỗi ngày có thể kéo dài đến tối đa là 10 tiếng vì phải trực đêm, hoặc khi công ty cần tăng ca để kịp tiến độ công việc.
Trong trường hợp này thì thời gian làm việc trung bình chia theo ngày trong một tháng (tức 4 tuần) vẫn không được nhiều hơn 8 tiếng. Nếu số giờ làm thêm nhiều hơn số giờ trong hợp đồng thì người lao động có quyền được nghỉ bù hoặc nhận lương làm thêm.
Hầu hết các ngành nghề ở Đức đều ngừng hoạt động vào chủ nhật và ngày lễ lớn nhưng riêng ngành dịch vụ, đặc biệt là mảng chăm sóc sức khoẻ lại là ngoại lệ. Nếu người lao động buộc phải làm việc vào chủ nhật thì cần được sắp xếp nghỉ bù trong vòng 2 tuần tiếp theo.
Trường hợp người lao động làm việc vào ngày lễ thì họ phải được thu xếp nghỉ bù trong vòng 8 tuần sau đó. Trong một tháng người lao động sẽ phải được nghỉ tối thiểu 2 cuối tuần. Nếu cuối tuần này người lao động đi làm thì cuối tuần sau người lao động không được đi làm nữa.
Với mỗi ngày làm việc kéo dài từ 6 đến 9 tiếng, người lao động được phép nghỉ 30 phút giữa giờ và có thể được phân chia thành 2 lần mỗi lần 15 phút. Nếu thời gian làm việc trên 9 tiếng, người lao động phải được nghỉ 45 phút sau 6 tiếng làm việc. Sau khi tan ca, người lao động phải được nghỉ ngơi mà không có bất cứ sự quấy rầy nào khác từ công việc trong tối thiểu 11 giờ.
Điều dưỡng viên được nhận lương ngay cả khi nghỉ ốm
Khi đi làm ở Đức, bạn có thể xin nghỉ nếu có vấn đề về sức khỏe thể chất hay tinh thần nhưng trước đó bạn phải xin nghỉ ốm trực tiếp với người quản lí hoặc cấp trên của mình. Nếu muốn nghỉ trên 3 ngày liên tiếp, bạn phải có giấy khám bệnh có xác nhận của bác sĩ. Tuy nhiên, các công ty vẫn có quyền yêu cầu người lao động đưa giấy khám của bác sĩ ngay ngày đầu tiên.
Luật pháp Đức quy định người lao động phải được trả 100% lương trong 6 tuần nghỉ ốm đầu tiên. Trong vòng 6 tháng đến 1 năm, nếu bệnh tái phát thì người ốm sẽ lại được nghỉ thêm 6 tuần nữa mà vẫn được nhận lương đầy đủ. Nếu sau 6 tuần nghỉ đợt 1, người lao động bị mắc một căn bệnh khác thì họ sẽ vẫn được nghỉ tiếp 6 tuần đợt 2 có trả lương.
Nếu sau đó bệnh tình vẫn tiếp diễn thì người lao động sẽ được trợ cấp lên tới 70% mức lương hiện tại bởi bảo hiểm sức khỏe công hoặc tư mà họ đăng kí. Thời hạn tối đa họ được nhận số tiền này từ công ty bảo hiểm là 78 tuần.
Nghỉ phép có lương lên đến 30 ngày/ năm, nghỉ lễ hơn 8 ngày/ năm
Ở Đức quy định ngày lao động là từ thứ 2 đến thứ 7 còn ngày làm việc hành chính từ thứ 2 đến thứ 6. Theo luật lệ, số ngày nghỉ phép mỗi năm tối thiểu là 24 ngày lao động. Trong thực tế, số ngày nghỉ của người Đức trong năm thường rơi vào khoảng 27 đến 30 ngày. Từ năm 2023 thì số ngày nghỉ phép có lương tối thiểu được tăng lên là 29 ngày/năm.
Người lao động sẽ được hưởng chế độ nghỉ trọn vẹn 29-30 ngày/năm nếu họ đã làm việc được 6 tháng hoặc ngừng hợp đồng lao động sau 6 tháng. Nếu người lao động ngừng hợp đồng lao động trước 6 tháng, mỗi tháng họ sẽ có 2 ngày nghỉ phép có lương. Trước khi nghỉ, người lao động phải làm đơn xin nghỉ phép và phải được nhà tuyển dụng chấp nhận. Trong một số trường hợp như yêu cầu công việc khẩn cấp hay có sự ưu tiên đặc biệt, nhà tuyển dụng có thể từ chối đơn xin nghỉ của người lao động.
Thông thường, số ngày nghỉ phép của năm nào phải được sử dụng hết trong năm đó. Trường hợp chưa nghỉ hết vì lí do công việc hay cá nhân thì những ngày nghỉ còn lại đó sẽ được chuyển cho năm kế tiếp nhưng vẫn có thời hạn tùy theo quy định của từng công ty. Các ngày nghỉ lễ chính thức ở Đức có thể kể đến các ngày như Năm mới (01/01), Giáng Sinh (25/12, 26/12), Ngày Quốc khánh Đức (03/10), lễ phục sinh…
Trợ cấp nghỉ thai sản cho cả bố và mẹ
Bên cạnh việc hỗ trợ giảm thuế thu nhập cá nhân khi đã lập gia đình thì chính phủ Đức còn có các chính sách trợ cấp khác cho những cặp vợ chồng bao gồm cả người nước ngoài trong quá trình nghỉ thai sản. Cụ thể thì trong thời gian nghỉ thai sản, nhà tuyển dụng không bắt buộc phải trả lương cho người lao động nhưng bố và mẹ vẫn có thể được nhận các khoản trợ cấp từ chính phủ. Trong giai đoạn từ 6 tuần cuối thai kỳ tới hết tuần thứ 8 sau sinh, người phụ nữ vẫn được hãng bảo hiểm chi trả lương thai sản bằng với mức lương tại thời điểm ba tháng trước khi nghỉ.
Đối với trẻ em được sinh sau ngày 01/07/2015, cha hoặc mẹ sẽ được nhận trợ cấp từ chính phủ trong thời gian tối đa 24 tháng. Nếu cả cha và mẹ cùng nghỉ thai sản, hai người sẽ được hưởng chung một khoản trợ cấp trong thời gian tối đa 28 tháng. Luật pháp Đức quy định khoản trợ cấp này có tổng giá trị bằng 67% mức lương trung bình trong 12 tháng trước khi đứa trẻ chào đời. Khoản tiền trợ cấp cho cha mẹ tối đa được nhận là 1,800 Euro và tối thiểu là 300 Euro/tháng bắt đầu từ ngày sinh của đứa trẻ.
Quyền được đối xử công bằng
Việc sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã là một khó khăn mà mỗi điều dưỡng viên người Việt phải trải qua, nhưng may mắn là chính phủ Đức sẽ luôn đứng sau hậu thuẫn cho bạn. Điển hình như bộ luật về đối xử bình đẳng (Allgemeines Gleichbehandlungsgesetz/AGG) của Đức nghiêm cấm sự phân biệt đối xử bởi các nguyên nhân như tuổi tác, sự tàn tật, xuất thân, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính, xu hướng tính dục.
Nhìn chung, phân biệt đối xử hay quấy rối dưới mọi hình thức vì bất cứ nguyên nhân nào đều bị nghiêm cấm ở Đức. Người lao động có thể tố cáo các hành vi này nhưng họ phải chứng minh được mức độ tổn thương về đạo đức, tinh thần cũng như vật chất mình đã phải chịu.
Muốn giàu đi Đức muốn tri thức đi Nga <3