Hiện nay, bên cạnh các hình thức đi lao động, học tập hợp pháp, không ít người đã tìm đến những trung gian, các dịch vụ đen để tìm cách nhập cư trái phép vào Đức. Từ hôn nhân giả, làm giả giấy tờ đến những đường dây đưa người sang Đức, dù che đậy bằng ngôn từ nào, đây cũng đều là những hành vi trái pháp luật. Vậy hậu quả của những lựa chọn này là gì? Khi lựa chọn con đường này, những người chấp nhận dịch vụ chui đang phải đánh đổi những gì?
Mặt tối của một cuộc hôn nhân giả
Chỉ với một từ khóa đơn giản, trong vòng chưa đến 1 giây, Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả liên quan đến các dịch vụ kết hôn giả. Một cuộc hôn nhân trên giấy tờ trị giá vài nghìn Euro để được quyền cư trú 2-3 năm tại Đức sau khi xong xuôi giấy tờ, rồi lại đường ai nấy đi. Nếu chỉ nghe qua, đây dường như là một con đường quá đỗi đơn giản cho những người muốn nhập cư vào Đức. Tuy nhiên, đằng sau những cuộc hôn nhân này là những nỗi đau mà chỉ người trong cuộc mới biết.
Chỉ riêng phí dịch vụ, số tiền một người Việt phải bỏ ra có thể lên tới 30 nghìn Euro. Tuy nhiên, rắc rối lớn nhất những người chấp nhận làm hôn nhân giả phải chịu đựng không nằm ở số tiền, mà ở những ông chồng, bà vợ người Đức (hoặc người Việt định cư lâu năm) thất nghiệp, nát rượu, nghiện ngập và lười lao động – những đối tượng duy nhất chấp nhận hợp tác với những dịch vụ này.
Không chỉ là những câu chuyện về sự bạo hành, những hạch sách vô lí, những khoản tiền cung phụng các đối tượng hợp tác kết hôn giả này để cho xong giấy tờ, đã không ít người phải sống trong cảnh bị khủng bố bởi người vợ, chồng hờ của mình liên tục đe dọa sẽ khai báo với sở ngoại kiều rằng cuộc hôn nhân này là giả. Và tất nhiên, hậu quả khi đó là không thể tránh khỏi: sau nhiều năm đeo đuổi, sau những khoản tiền khổng lồ, những người Việt ấy sẽ phải trắng tay trở về nước.
Đầu tháng 9/2019, chính phủ Đức đã huy động lực lượng 300 cảnh sát đã truy quét một đường dây nhập cư trái phép ở 5 tiểu bang. Cảnh sát đã lục soát 33 căn hộ, cũng như các địa điểm cư trú khác. Chín người Việt Nam đã bị bắt sau cuộc truy quét này.
Qua điều tra, cảnh sát cho biết ngoài dịch vụ kết hôn giả, nhóm buôn người trái phép này còn cung cấp dịch vụ chứng minh quan hệ bố-con giả, nhằm qua mặt các cơ quan chức năng của Đức để xin quyền cư trú. Theo các nhà chức trách, mỗi năm có khoảng 5000 trường hợp ‘‘bố giả‘‘ như vậy. Những người Đức đồng ý hợp tác với những đường dây này thường không có công ăn việc làm, chỉ hưởng trợ cấp xã hội.
Buôn người và nô dịch thời hiện đại
Trong vài năm gần đây, số lượng người Việt Nam nhập cư trái phép vào Đức ngày một tăng, đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên. Đây là một thực trạng đau xót mà có lẽ ít ai trong số chúng ta thực sự để tâm đến nó.
Tháng 6/2018, cảnh sát Đức đã bắt được một nhóm buôn người ở gần biên giới Đức – Ba Lan, trong đó có hai kẻ cầm đầu và 12 người Việt Nam, trong đó có 2 trẻ vị thành niên. Hai kẻ cầm đầu đã bị bắt, nhóm người lớn được trả về Ba Lan, còn hai đứa trẻ đã được đưa về các trung tâm bảo trợ trẻ em. Tuy nhiên, cả hai đứa trẻ đều biến mất không lâu sau đó.
Ở Ba Lan, một phiên tòa đã được tổ chức để xét xử các đối tượng có hành vi buôn người trái phép sang Đức. Trong phiên tòa này, một thanh niên Việt Nam đã cho biết: cậu thường xuyên bị đánh đập, đe dọa, bỏ đói cũng như bị bóc lột sức lao động. Theo lời khai trước tòa, người thanh niên mồ côi cha mẹ này đã được hứa hẹn về những cơ hôi việc làm ở Châu Âu. Để hiện thực hóa ‘‘giấc mơ Tây Âu‘‘ này, bà của cậu đã phải thế chấp nhà của mình cho các tay môi giới.
Sau khi được đưa sang Ba Lan, cậu đã bị giam trong một căn phòng nhỏ suốt một hàng tuần lễ trước khi được đưa sang Đức cùng một nhóm 9 người Việt khác. Theo các nhà chức trách, đã có không ít trường hợp người Việt bị vận chuyển trong các thùng chứa hàng, các thùng đồ đông lạnh và phải chịu những tổn thương về thân thể, thậm chí là tính mạng. Về phần mình, người thanh niên khai báo, trên đường đi, nhóm những người nhập cư trái phép này đã phải chen chúc trong các phương tiện ‘‘vận chuyển‘‘, thậm chí gặp tai nạn. 6 trong số họ vẫn còn tuổi vị thành niên.
Nhà chức trách Ba Lan gọi đây là hành động buôn người, một dạng nô dịch thời hiện đại. Rất nhiều nạn nhân của những đường dây này là thanh thiếu niên từ các gia đình nghèo, không ít trong số đó là trẻ mồ côi. Trên con đường từ Việt Nam sang Đức, rất nhiều người trong số các thanh, thiếu niên này đã bị bỏ đói, bị ép làm việc không công, đánh đập, thậm chí quấy rối (bản gốc: cưỡng hiếp). Địa điểm cuối cùng của những cuộc hành trình này thường là các sa-lông mát-xa, các cơ sở lao động không có đăng kí rõ ràng. (Bài báo gốc: các salon mát-xa và các nhà thổ).
Đối mặt với pháp luật
Trong vụ triệt phá đường dây kết hôn giả, cảnh sát đã thu giữ một khoản tiền lên tới 5 chữ số. Theo thống kê của Cục phòng chống tội phạm và ma túy của Mĩ, chỉ riêng trong năm 2016, các đối tượng đã thu về 6 triệu đô tiền lợi nhuận. Đây có lẽ chỉ là bề nổi của tảng băng, vẫn còn rất nhiều mặt tối mà các cơ quan chức năng chưa khám phá ra. Tuy nhiên, đối với các vụ án đã được phá, cảnh sát và chính phủ Đức luôn có những biện pháp trừng phạt thích đáng cho các đối tượng chống lại pháp luật.
Trong tất cả các câu chuyện trên, đều có một mẫu số chung cho các đối tượng tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các hình thức dịch vụ chui này: nhẹ là phạt tiền, nặng là phạt tù. Đối với các dịch vụ đưa người sang Đức trái phép, tùy theo mức độ nghiêm trọng, hình phạt cho đối tượng tổ chức đường dây sẽ là từ 03 tháng đến 10 năm tù giam.
Dẫu biết rõ những mối nguy mà những dịch vụ đen này mang lại, vẫn không ít người Việt Nam sẵn sàng đánh đổi tất cả để theo đuổi nó, với ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, khấm khá hơn ở Đức, Pháp, … Để rồi một ngày, họ nhận ra mình đã bị trục xuất về nước, hoàn toàn trắng tay, với một vết nhơ trong lý lịch do có liên quan đến những hành vi bất hợp pháp.
9323 km là khoảng cách từ Việt Nam sang Đức. Con đường này chắc chắn sẽ không ngắn hơn nhờ những dịch vụ chui, những hợp đồng hôn nhân giả, những chiếc bánh vẽ về một tương lai màu hồng ở Châu Âu. Con đường này chỉ có thể được chinh phục bởi chính chúng ta bằng cách học tập, lao động và định cư một cách hợp pháp ở Đức, bằng những con đường chính quy, hợp pháp. Mỗi người chúng ta đều có thể tự chọn cho mình cách đi, song nếu muốn đi ‘‘đường tắt‘‘, hãy cân nhắc thật kĩ: Liệu bạn có sẵn sàng chấp nhận đánh đổi sức khỏe, tiền bạc, thậm chí là tính mạng cho những dịch vụ nhập cư bất hợp pháp như vậy không?
________
Nguồn tham khảo:
1. Luật đối với hành vi buôn người
2. Kết hôn giả và các ông bố giả
3. Câu chuyện về những cuộc hôn nhân giả
4. Triệt phá đường dây hôn nhân giả
5. Các đường dây buôn người đa quốc gia