Với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm sinh sống và học tập hơn 15 năm ở Đức cho các bạn trẻ, chủ tịch của VICAT là chị Thị Vân Anh Ohsieck đã dành chút thời gian trong lịch trình bận rộn của mình để thực hiện bài phỏng vấn này. Bài viết được chia ra làm ba phần trước khi du học Đức, trong khi du học Đức và sau khi du học Đức để các bạn dễ theo dõi.
TRƯỚC KHI DU HỌC ĐỨC
Chào chị Vân Anh, trước tiên có thể chia sẻ một số kinh nghiệm nào để cải thiện tiếng Đức ngay từ khi còn ở Việt Nam không?
Các bạn nên tập thói quen xem phim, nghe nhạc và mở đài phát thanh do Đức sản xuất. Các bạn có thể bắt đầu bằng cách nghe những bài hát tiếng Việt được dịch sang tiếng Đức, ví dụ như bài “Kìa con bướm vàng”. Còn phim thì chị đặc biệt thích xem phim hoạt hình vì ngôn ngữ khá dễ hiểu và tốc độ vừa phải. Khi nghe đài bạn chỉ cần nghe thụ động từ từ để làm quen. Nhờ nghe đài mà chị đã học hỏi thêm được nhiều kiến thức về chính trị và thuế má mà ở trường đại học không dạy.
Một điều quan trọng nữa là các bạn nên chọn thầy cô giỏi, nếu được thì tầm sư học đạo với giáo viên bản địa càng tốt để học tiếng Đức cho chuẩn. Trong chuyện học ngoại ngữ, sai một ly có thể đi một dặm. Chẳng hạn như nếu bạn đã phát âm sai trong thời gian đầu thì nhiều năm sau khó sửa lại được.
>> 7 mẹo học tiếng Đức không phải ai cũng biết
Chị có lời khuyên nào về những thứ nên và không nên mang trong hành lý khi du học Đức không?
Những vật dụng hữu hình các bạn cần mang theo bao gồm dụng cụ học tập, những món đồ kỷ niệm yêu thích, lương khô khó mua ở nước ngoài như nấm hương, gia vị cần dùng, thuốc men phù hợp và máy tính xách tay vì ở Việt Nam có thể cài các phần mềm giá rẻ.
Với các hành trang vô hình, các bạn cần mang theo hiểu biết văn hóa và vốn tiếng Đức tốt nhất có thể. Nếu được thì bạn nên cố gắng làm quen và tạo dựng mạng lưới mối quan hệ với những người có cùng chí hướng ngay khi ở Việt Nam để có thể san sẻ buồn vui và giúp đỡ nhau trong quá trình học tập ở Đức.
Các bạn không nên mang quá nhiều quần áo, giày dép hay hóa mỹ phẩm vì những món này ở Đức có giá cả phải chăng và chất lượng đảm bảo.
Theo chị vì sao các bạn trẻ nên chọn du học Đức nói chung và chọn con đường học nghề nói riêng?
Một trong những lợi thế nổi bật của nước Đức là sở hữu nền an sinh xã hội hàng đầu thế giới. Điển hình là nhóm cộng đồng yếu thế như người tàn tật hoặc ốm yếu được được chính phủ Đức hỗ trợ. Thế nên nếu bạn chọn du học Đức hay sau này có ý muốn định cư thì xã hội của quốc gia này luôn đảm bảo bạn có cuộc sống tốt nhất.
Con đường học nghề ở Đức có một ưu điểm là bạn sẽ có lương trong quá trình học mà chương trình đào tạo lại không quá nặng nề như hệ đại học. Chương trình học nghề chú trọng vào thực hành nên sau khi tốt nghiệp dễ có việc làm để học hỏi kinh nghiệm và hòa nhập với cuộc sống ở Đức.
>> So sánh du học Đức hệ đại học và học nghề
TRONG QUÁ TRÌNH DU HỌC ĐỨC
Chị đã từng gặp những khó khăn gì khi sang Đức du học và đã vượt qua chúng như thế nào?
Khó khăn đầu tiên là về tài chính. Vì sinh viên đại học không có lương nên chị phải đi làm thêm để không phụ thuộc kinh tế của gia đình và tự trang trải cuộc sống. Thỉnh thoảng chị có bị mất việc nên khá lao đao nhưng không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ cuộc. Càng chăm chỉ hơn thì chị càng kiếm được những công việc tốt hơn.
Khó khăn thứ hai là việc thích nghi với văn hóa, xã hội và ngôn ngữ. Với trình độ tiếng Đức 500 tiết của chị khi mới sang, chị giống cô bé mẫu giáo thấy cái gì cũng lạ và mới. Hồi mới đi học, chị không có ai dẫn dắt tới nơi tới chốn nên quá trình hoàn tất thủ tục hồ sơ mất rất nhiều thời gian và công sức không cần thiết. Chẳng hạn như chị đi tìm nhà trọ suốt hai ngày trời không được, lạc lõng quá nên chị ngồi khóc ngon lành ở khu vực tiếp đón sinh viên của trường. Nhà trường thấy vậy nên thương mà sắp xếp cho chị một phòng ở ký túc xá.
Khi về thành phố Hamburg sống, chị cũng không có nổi một người bạn. Sinh nhật đầu tiên ở Hamburg, chị đã ngồi trên buýt suốt ba tiếng đồng hồ chỉ để thấy người cho bớt cô đơn vì chẳng biết đón sinh nhật cùng ai. Nhưng dù mọi thứ có khó khăn thế nào thì chị cũng đều từ từ tự thích nghi rồi đâu cũng vào đó.
Chị đánh giá thế nào về cuộc sống và con người ở Đức trong suốt 15 năm học tập lẫn sinh sống?
Chị thích sự êm đềm trong cuộc sống ở Đức. Không khí luôn trong lành, cơ hội được đi du lịch nhiều, cơ sở vật chất tốt nên các hoạt động thể thao hay giải trí đều ổn.
Cá nhân chị thấy tuy Đức là quốc gia ở Châu Âu nhưng vẫn có nhiều nét tương đồng khá gần gũi với người Việt. Ví dụ như nước Đức cũng từng bị phân chia Đông Tây như Việt Nam bị chia cách Nam Bắc. Về bản chất, con người Đức khá giống Việt Nam ở chỗ có tinh thần trách nhiệm cao và chăm chỉ. Họ chỉ khác ở vẻ ngoài lạnh lùng nhưng bên trong ấm áp và tính đúng giờ.
>> 5 thói quen tốt của người Đức du học sinh nên học hỏi
Theo chị du học sinh cần đặc biệt lưu ý những điều gì để có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường sống ở Đức?
Không ngại giao tiếp dù các bạn có thể nói sai đi chăng nữa. Vì nếu bạn không nói thì làm sao biết mình sai chỗ nào để sửa. Người Đức không thích những người giấu dốt và luôn ưu ái những người hỏi nhiều. Du học sinh đa phần đều còn rất trẻ nên nhiệm vụ lớn nhất của các bạn là học hỏi.
Nếu bạn có điều gì khúc mắc hay khó khăn trong một tập thể thì hãy thẳng thắn trao đổi. Khi bạn không làm được nhiệm vụ được giao thì các sếp cần hiểu lý do để tìm ra hướng giải quyết nhằm đảm bảo công việc luôn trôi chảy.
Chấp hành luật pháp thật tốt là điều bạn phải lưu ý khi sống ở Đức. Người Đức khá nghiêm khắc nên dù bạn nhận hóa đơn chỉ 5 hay 10 Euro mà thanh toán trễ thì có thể bạn sẽ phải trả gấp đôi. Nếu bạn đậu xe không đúng chỗ thì việc bị phạt cả trăm Euro là chuyện thường.
>> 5 lưu ý khi giao tiếp với người Đức du học sinh cần biết
LÀM VIỆC SAU TỐT NGHIỆP TẠI ĐỨC
Theo chị thì người Việt Nam cần đạt các yêu cầu gì để có thể cạnh tranh với người Đức trong thị trường lao động khắc nghiệt?
Nhìn chung thì các bạn cần có khả năng tự đánh giá và hiểu rõ giá trị của mình trong thị trường lao động. Bạn phải xác định được điểm mạnh và điểm yếu của mình rồi từ đó mới có thể định hướng và lập kế hoạch cho bản thân.
Người Việt rõ ràng không thể cạnh tranh với người Đức ở mặt ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa, chính trị cũng như thể chất. Nhưng người Việt có thế mạnh ở đức tính chăm chỉ, chịu khó lắng nghe, học hỏi và thường sang tới Đức thì các bạn đều có mục đích rõ ràng. Hãy tận dụng những điểm mạnh của mình để học tập và nâng cao năng lực chuyên môn thì bạn sẽ nhận được quả ngọt.
Điều chị thích nhất trong môi trường làm việc ở Đức là gì?
Người Đức ít nói hai lời mà luôn giữ đúng lời hứa. Người Đức còn rất tôn trọng đối phương và luôn giữ chừng mực trong ngôn ngữ cũng như cách hành xử. Tức là bố mẹ tôn trọng con cái, sếp tôn trọng nhân viên, tất cả mọi người đều tôn trọng và lắng nghe nhau. Chỉ có như vậy thì mọi khó khăn mới dễ dàng có cách giải quyết hợp lý. Sự rõ ràng trong luật pháp và đối nhân xử thế cũng góp phần khiến cuộc sống ở Đức giảm thiểu tình trạng rối ren và các xung đột không đáng có.
Chị có thể cho các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ lập nghiệp ở Đức một lời khuyên tâm đắc nhất của mình được không?
Bạn cứ sống và làm việc hết mình thì người Đức sẽ hết lòng với bạn.