Gen Z 2023: Đừng nhảy việc – Cân nhắc các quy định này trước khi tìm việc điều dưỡng ở Đức

Tieu thu 2
Rate this post

Gen Z nhảy việc là tình trạng khá “nóng hổi” và nhức nhối đối với các nhà tuyển dụng hiện nay. Theo thống kê, Gen Z thường xuyên nhảy việc trong 1 đến 2 năm sau khi ra trường với hi vọng mức lương ở chỗ làm mới sẽ cao hơn chỗ cũ. Nhưng liệu lương có thật sự là tất cả các khoản tiền mà điều dưỡng viên sẽ được nhận? Câu trả lời là không, hãy cùng VICAT tìm hiểu tất cả các phúc lợi, trợ cấp mà điều dưỡng viên tại Đức sẽ được nhận mỗi năm để có quyết định đúng đắn trước khi ký hợp đồng lao động nhé!

1. Số ngày nghỉ phép tối thiểu (Urlaub) và các quy định liên quan

Theo Điều luật Nghỉ lễ Liên bang (Bundesurlaubsgesetz – BUrlG), mỗi điều dưỡng viên được hưởng ít nhất 24 ngày nghỉ phép tối thiểu có lương trong 1 năm. Quyền hưởng ngày nghỉ tối thiểu thực tế phụ thuộc vào độ dài của tuần làm việc:

  • 6 Ngày làm việc/tuần: ít nhất 24 ngày nghỉ phép có lương
  • 5 Ngày làm việc/tuần: ít nhất 20 ngày nghỉ phép có lương

Điều dưỡng viên sẽ có quyền được hưởng đầy đủ thời gian nghỉ phép có lương sau sáu tháng làm việc với công ty. Điều luật về ngày nghỉ lễ của Liên bang cũng quy định những ngày nghỉ chưa sử dụng sẽ được chuyển sang năm sau. Điều dưỡng viên cũng có thể nhận được số ngày nghỉ phép lên đến 36 ngày/năm theo quy định riêng biệt của từng bệnh viện. Đặc biệt, nhân viên làm việc bán thời gian cũng sẽ được hưởng quyền lợi tương đương, được tính theo công thức sau:

(Số ngày nghỉ lễ của nhân viên toàn thời gian x số ngày làm việc của nhân viên bán thời gian mỗi tuần) / số ngày làm việc của công ty mỗi tuần

Ví dụ, một nhân viên toàn thời gian nhận được 30 ngày nghỉ phép có lương. Nhân viên bán thời gian làm việc 4 ngày/tuần, công ty làm việc 5 ngày/tuần. Kết quả nhân viên bán thời gian nhận được (30 x 4) / 5 = 24 ngày nghỉ phép có lương.

Dù thực tập, làm việc bán hay toàn thời gian, bạn cũng nên tìm hiểu rõ về các thông tin liên quan đến số ngày nghỉ phép có lương trước khi chính thức ký hợp đồng với bệnh viện.

2. Các quy định về lương trợ cấp cho điều dưỡng viên tại Đức

Đức là quốc gia đang thiếu hụt nhân lực ngành điều dưỡng, đây cũng chính là một trong những lý do nhiều khoản trợ cấp hấp dẫn dành cho điều dưỡng viên đã ra đời để thu hút nhân lực tận lực cống hiến. Theo iGZ-Tarifwerk (Thỏa thuận thương lương của Cơ quan Việc làm tại Đức), nhân viên điều dưỡng phải nhận được những khoản bổ sung tối thiểu sau:

  • Tiền trợ cấp làm thêm giờ: 25% mức lương cơ bản;
  • Tiền trợ cấp trực đêm: dao động từ 25% đến 40% mức lương cơ bản;
  • Tiền trợ cấp làm việc cuối tuần: 25% mức lương cơ bản;
  • Tiền trợ cấp ngày lễ: 35% mức lương cơ bản. đặc biệt tiền trợ cấp vào các ngày lễ đặc biệt như tết có thể lên đến 50%;

Đặc biệt các khoản tiền trợ cấp đều được miễn thuế. Các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về 7 loại tiền trợ cấp cho điều dưỡng viên ở Đức tại đây.

Tieu thu 3

3. Các quy định về lương thưởng cho điều dưỡng viên tại Đức

Bên cạnh các loại tiền trợ cấp nêu trên, điều dưỡng viên tại Đức còn nhận được các khoản tiền thưởng đặc biệt do Chính phủ Đức công bố riêng hàng năm. Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach (SPD) đã công bố khoản tiền thưởng cho năm 2022 như sau:

  • Theo tính toán sơ bộ, chuyên gia điều dưỡng (Fachpflegekräfte) sẽ nhận được khoản tiền thưởng lên tới 2.500 euro
  • Nhân viên điều dưỡng dài hạn (Kräfte der Langzeitpflege) sẽ nhận được tiền thưởng khoảng 550 euro.

Tất cả các khoản thanh toán đặc biệt đều được miễn thuế cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2022. Chính phủ Liên bang cũng công bố khoản tiền thưởng cho ngành điều dưỡng năm 2022 và 2023 sẽ lên đến 570 triệu euro.

Ngoài ra, điều dưỡng viên tại Đức cũng sẽ nhận được tiền thưởng vào các ngày lễ đặc biệt như Giáng sinh hay năm mới. Tuy nhiên, pháp luật ở Đức không quy định chủ lao động bắt buộc phải trả tiền thưởng Giáng sinh và năm mới nên mỗi cơ sở làm việc sẽ có quyết định riêng. Bạn cần hỏi rõ thông tin này trước khi ký hợp đồng lao động với các bệnh viện.

4. Các quy định về hỗ trợ cho điều dưỡng viên trong thời gian mang thai

Đức có quy định đặc biệt để hỗ trợ cho điều dưỡng viên trong thời gian mang thai và sau khi sinh con. Điều luật 3 theo Điều luật bảo vệ thai phụ (Mutterschutzgesetz – MuSchG) quy định phụ nữ không được phép đi làm từ sáu tuần trước và đến tám tuần sau khi sinh, quy định này chỉ áp dụng cho trường hợp mang thai bình thường. Trong trường hợp điều dưỡng viên sinh non hoặc sinh nhiều con, thời gian nghỉ phép sau khi sinh được kéo dài đến 12 tuần theo điều luật 3 đoạn 2 MuSchG, điều luật này cũng được áp dụng nếu thai nhi được phát hiện có khả năng khuyết tật ít nhất 8 tuần trước khi sinh. Chính phủ Đức cũng yêu cầu các bệnh viện phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian làm việc cho phép và các công việc được phép làm đối với điều dưỡng viên đang mang thai, ví dụ những điều sau đây sẽ hoàn toàn bị cấm:

  • Làm thêm nhiều hơn 8,5 giờ mỗi ngày hoặc 90 giờ mỗi hai tuần.
  • Các ca làm việc ban đêm từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng sẽ bị cấm trừ khi có sự cho phép của bác sĩ
  • Không có thời gian nghỉ ngơi liên tục ít nhất mười một giờ sau giờ làm việc hàng ngày
  • Làm việc vào Chủ nhật và các ngày lễ (có thể có ngoại lệ nếu có sự cho phép của bác sĩ)
  • Thường xuyên nâng và mang vác vật nặng hơn 5 kg hoặc thỉnh thoảng hơn 10 kg mà không có dụng cụ hỗ trợ

5. Các quy định về cam kết đào tạo chuyên môn, nâng cao năng lực

Tại Đức, không có điều luật nào yêu cầu các bệnh viện bắt buộc phải chi trả chi phí đào tạo nâng cao năng lực cho điều dưỡng viên. Tuy nhiên, đào tạo và giáo dục thêm là đặc biệt cần thiết đối với ngành điều dưỡng. Chính vì vậy, hầu như các bệnh viện đều sẽ cung cấp các khóa đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn hoặc bổ sung các kiến thức mới để thu hút nhân lực trong ngành. Đặc biệt trong điều kiện thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng như hiện nay thì đây chắc chắn là một điểm cộng lớn mà các học viên của VICAT cần cân nhắc trước khi ký hợp đồng lao động. Theo điều luật 73 và 104b của Đạo luật Y tế và Điều dưỡng (Gesundheits- und Krankenpflegegesetz – GuKG) một số khóa học có thể được tổ chức cho điều dưỡng viên phải kể đến như: Tư vấn bệnh tiểu đường, Pháp y trong điều dưỡng, chăm sóc lão khoa, điều dưỡng tại nhà hay chăm sóc người đang thở máy; tương tự các khóa học dành cho trợ lý điều dưỡng có thể được tổ chức là: chăm sóc người mắc chứng mất trí nhớ, điều dưỡng cho người bị rối loạn tâm thần, chăm sóc người khuyết tật hay chăm sóc người bệnh mãn tính. Bạn có thể tìm hiểu thêm về danh sách các khóa học được quy định tại đây.

Trước khi quyết định chuyển chỗ làm,  các bạn Gen Z đừng chỉ cân nhắc đến mức lương mà nên quan tâm đến việc nhà tuyển dụng có những chính sách hỗ trợ và các khoản trợ cấp nào hay không nhé. Tìm đọc thêm các thông tin hữu ích cho du học sinh tại Đức trên website https://vicat.edu.vn/category/tin-tuc/ hoặc các học bổng tài trợ 100% được bảo trợ bởi Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo-Bộ Y tế tại website https://gavic.edu.vn/.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!