Bảo hiểm tai nạn theo luật định (Gesetzliche Unfallversicherung – UV) là 1 trong 5 loại bảo hiểm chính thuộc hệ thống an sinh xã hội Đức giúp chi trả các khoản phí điều trị y tế và tái hòa nhập công việc sau khi gặp tai nạn tại nơi làm việc hoặc mắc bệnh nghề nghiệp. Vậy bảo hiểm tai nạn theo luật định được chi trả trong các trường hợp nào? Những đối tượng nào được tham gia bảo hiểm? Cùng VICAT tìm hiểu các thông tin trên qua bài viết dưới đây.
Mục đích chính của bảo hiểm tai nạn theo luật định tại Đức là gì?
Bảo hiểm tai nạn theo luật định tại Đức có 3 mục đích chính:
- Đề phòng và ngăn ngừa các trường hợp tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp cũng như các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe liên quan đến công việc
- Tạo mọi điều kiện thích hợp để giúp người tham gia bảo hiểm phục hồi sau tai nạn
- Bồi thường cho người tham gia bảo hiểm sau tai nạn bằng các khoản tiền theo quy định
Ai phải tham gia bảo hiểm tai nạn theo luật định tại Đức?
Người lao động (Arbeitnehmer) và thực tập sinh học nghề (Auszubildende) là hai đối tượng chính được tham gia hình thức bảo hiểm này. Bên cạnh đó, một số nhóm người sau đây cũng được phép tham gia bảo hiểm tai nạn theo luật định:
- Những người làm việc vì lợi ích công cộng, chẳng hạn như nhân viên trong các tổ chức cứu trợ, nhân viên cứu hộ, người hiến máu, nhân chứng, thẩm phán,…
- Trẻ em được chăm sóc tại các trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày hoặc bởi những người trông trẻ, học sinh và sinh viên trong các trường học và trường đại học cũng như những người đang học nghề.
- Các tình nguyện viên (ví dụ: tình nguyện viên từ đội cứu hỏa tình nguyện)
- Các chủ doanh nghiệp có thể tự đăng ký bảo hiểm cho mình
Các trường hợp được bảo hiểm tai nạn theo luật định chi trả?
Bảo hiểm tai nạn sẽ được chi trả nếu sức khoẻ của người tham gia bảo hiểm bị suy giảm nghiêm trọng sau một tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, có thể là khuyết tật vĩnh viễn hoặc sau quá trình chữa bệnh kéo dài. Tai nạn tại nơi làm việc không chỉ bao gồm các sự cố xảy ra tại công ty trong quá trình làm việc mà còn tính trên đường đến chỗ làm. Bệnh nghề nghiệp là vấn đề về sức khỏe mà người được bảo hiểm mắc phải khi làm việc và được chứng nhận y tế từ bác sỹ
Các dịch vụ mà bảo hiểm tai nạn theo luật định cung cấp là gì?
Điều trị y tế – sau một tai nạn tại nơi làm việc hoặc trên đường đi làm, bảo hiểm tai nạn sẽ chi trả các khoản phí điều trị y tế, thuốc men và các biện pháp giúp hồi phục cần thiết, cũng như chi phí nằm viện hoặc các cơ sở phục hồi chức năng, vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu.
Quyền lợi thương tật – Quyền lợi thương tật nhằm bù đắp thu nhập bị mất cho đến khi người được bảo hiểm có thể làm việc trở lại. Số tiền bảo hiểm chi trả 80 % tổng lương bị mất trong tối đa 78 tuần. Trong khi đó, trợ cấp ốm đau chi trả không quá 70 % tổng lương.
Trợ cấp điều dưỡng – Vào năm 2018, bất kỳ người nào cần chăm sóc điều dưỡng sau khi bị tai nạn sẽ được trợ cấp dịch vụ y tá hoặc điều dưỡng từ 341 đến 1,445 euro/tháng.
Lương hưu – Lương hưu được thanh toán cho những người có tổn hại về sức khỏe kéo dài ít nhất 26 tuần. Số tiền lương này phụ thuộc vào thu nhập trước đó và mức độ sức khỏe ảnh hưởng của người được bảo hiểm. Tuy nhiên, khả năng làm việc của người bị tai nạn phải giảm ít nhất 20%.
Quyền lợi của người sống sót – Nếu vợ/chồng hoặc cha mẹ qua đời do tai nạn tại nơi làm việc hoặc mắc bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm tai nạn theo luật định sẽ cấp tiền lương hưu của họ cho người thân và chi trả một phần chi phí tang lễ.
>> Quyền lợi của điều dưỡng viên tại Đức bạn cần biết
Nhà cung cấp bảo hiểm y tế theo luật định tại Đức
Nhà cung cấp bảo hiểm tai nạn là các hiệp hội nghề nghiệp thương mại, nông nghiệp và bảo hiểm công trong khu vực. Ví dụ như các công ty bảo hiểm tai nạn, công ty bảo hiểm tai nạn nhà nước, hiệp hội bảo hiểm tai nạn cộng đồng, điển hình là:
- Tổ chức bảo trợ của các hiệp hội nghề nghiệp thương mại và các tổ chức bảo hiểm tai nạn công trong khu vực – Deutsche Gesetzliche Unfallversicherung (DGUV)
- Bảo hiểm xã hội nông nghiệp, lâm nghiệp và làm vườn – Sozialversicherung für Landwirtschaft, Forsten und Gartenbau (SVLFG)
Nhìn chung, việc đóng bảo hiểm là nghĩa vụ và vô cùng cần thiết đối với mỗi công dân sinh sống tại Đức. Tuy nhiên mỗi cá nhân có thể chủ động tìm kiếm chương trình bảo hiểm phù hợp với mình. Đừng quên hiểu rõ về các loại bảo hiểm cũng như cân nhắc việc sử dụng bảo hiểm công hay tư để thừa hưởng mọi quyền lợi từ hệ thống an sinh xã hội tuyệt vời tại quốc gia này, không chỉ với người dân Đức nói chung mà còn với các bạn du học sinh, đặc biệt là du học sinh ngành điều dưỡng nói riêng.
Nguồn tham khảo: Buzer