Thuế thu nhập và 6 cấp bậc thuế tại Đức: Mọi điều cơ bản du học sinh cần biết

piqsels.com id
Rate this post

Đức có hệ thống thuế lũy tiến nên người lao động có thu nhập thấp sẽ đóng mức thuế ít hơn những ai có lương bổng cao. Dù bạn là người nước ngoài nhưng chỉ cần có việc làm tại Đức thì đóng thuế là nghĩa vụ bắt buộc. Dưới đây là những thông tin cơ bản về các loại thuế và những khoản thu hỗ trợ an sinh xã hội ở Đức mà bạn cần hiểu rõ.

>> Tại sao nên học nghề điều dưỡng ở Đức thay vì Việt Nam?

Phân biệt thuế thu nhập cá nhân (Einkommensteuer) và thuế tiền lương (Lohnsteuer)

Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Luật thuế của Đức quy định rằng bất kỳ khoản thu nhập nào bạn kiếm được ở quốc gia này đều phải chịu thuế. Nguyên tắc này được áp dụng cho mọi loại thu nhập gồm tiền lương từ công việc toàn thời gian cố định, tiền lãi và cổ tức từ vốn tiết kiệm hoặc tiền có được từ việc cho thuê nhà. Ngay cả người hưởng lương hưu từ bảo hiểm hưu trí mà vượt quá giới hạn nhất định vẫn sẽ phải chịu thuế thu nhập. Khoản thuế phải trả phụ thuộc vào mức thu nhập của từng người nhưng bạn luôn phải tự khai báo thuế hàng năm theo quy định của chính phủ Đức.

Thuế tiền lương là gì?

Định nghĩa một cách đơn giản, nếu bạn là người đi làm thuê và được trả lương thì bạn sẽ phải đóng “thuế tiền lương” thay vì “thuế thu nhập”. Thuế tiền lương sẽ được khấu trừ ngay khi tiền thù lao được thanh toán. Nhà tuyển dụng có nghĩa vụ tính thuế cho mỗi lần trả lương và nộp khoản này cho cơ quan thuế nên người lao động không cần tự khai báo hàng năm.

> Làm điều dưỡng viên ở Đức có thể kiếm 100 triệu/ tháng!

 phân biệt thuế thu nhập và thuế tiền lương

6 cấp bậc thuế tại Đức cho tiền lương (Lohnsteuerklasse hoặc Steuerklassen)

Mức thuế tiền lương được chi ra thành 6 bậc thuế dựa trên vào hoàn cảnh gia đình và tình trạng hôn nhân. Người lao động thường được cơ quan thuế chỉ định một loại thuế phù hợp nhưng bạn có thể chủ động yêu cầu một cấp thuế nhất định. Để chắc chắn, bạn nên tham khảo cố vấn thuế của mình để xác định được bậc thuế phù hợp, đặc biệt là khi đã kết hôn. Nếu cả 2 người cùng đi làm và có thu nhập thì nên cân nhắc chọn bậc thuế nào có lợi nhất.

Bậc thuế (Steuerklasse) Đối tượng Điều kiện áp dụng
I Độc thân (Ledige) Những người độc thân (chưa kết hôn); những người đã ly dị, goá vợ/chồng; vợ/chồng sống ở nước ngoài hoặc ly thân

 

II Nuôi con 1 mình

(Alleinerziehende)

Những cha mẹ đơn thân và sống một mình với con
III Đã kết hôn (Verheiratete) Người đã kết hôn, cả hai đều sống ở Đức và chỉ một người làm công ăn lương; hoặc một trong hai người kiếm được mức lương thuộc bậc V.

 
Bậc thuế này còn áp dụng cho người goá vợ/chồng nếu cả hai đều làm việc và sống ở Đức.

IV Đã kết hôn (Verheiratete) Dành cho những người đã kết hôn và hai người có mức thu nhập ngang nhau.
V Đã kết hôn (Verheiratete) Một trong hai người thuộc nhóm thuế bậc III. Sau khi đóng thuế, người có thuế bậc III sẽ giữ lại được 60% tiền lương còn người có thuế bậc V sẽ giữ lại khoảng 40%.

 

VI Độc thân/ đã kết hôn Người có nhiều việc làm một lúc và không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân. Công việc thứ nhất (hoặc việc có lương cao) sẽ tính thuế theo bậc 1, từ công việc thứ 2 trở đi tính theo bậc 6.

 

6 cấp bậc thuế tại Đức

Các khoản đóng góp an sinh xã hội bắt buộc khác tại Đức 

  • Thuế tiền lương (Lohnsteuer): Những ai có mức lương trên 520 Euro/tháng* đều phải đóng thuế này. Sinh viên được phép có 2 tháng trong 1 năm làm trên 520 Euro mà không phải đóng thuế (*mức lương tối thiểu được cập nhật vào tháng 11 năm 2022).
  • Thuế nhà thờ (Kirchensteuer): Thường từ 8% – 9% của Thuế thu nhập/Thuế lương. Nhưng bạn chỉ phải đóng loại thuế này khi muốn liên kết chính thức với một trong những nhà thờ được thành lập của Đức.
  • Tiền tái thiết Đông Đức (SolZ – Solidaritätszuschlag): Chiếm 5,5% thu nhập, dành cho những bạn sinh sống và học tập ở phía Tây.
  • Bảo hiểm y tế (Krankenversicherung) Tuỳ từng loại bảo hiểm mà mức phí phải đóng khác nhau. Với bảo hiểm công của nhà nước thì chi phí khoảng 14,6% thu nhập, trong đó công ty hoặc nhà tuyển dụng sẽ trả 50% cho bạn. Với bảo hiểm tư thì bạn chủ động thanh toán trực tiếp với hãng bảo hiểm đúng với thỏa thuận trên hợp đồng.
  • Tiền chăm sóc điều dưỡng (Pflegeversicherung): Chiếm 2,35% thu nhập, công ty và người lao động mỗi bên đóng 1 nửa.
  • Bảo hiểm lương hưu (Rentenversicherung): Chiếm 18,7 % thu nhập, công ty và người lao động mỗi bên đóng 50%. Khoản tiền này có thể được hoàn lại nếu bạn rời khỏi Đức và không quay lại sau 5 năm.
  • Bảo hiểm thất nghiệp (Arbeitslosenversicherung): Chiếm 3% thu nhập, công ty và người lao động mỗi bên đóng 50%. Nếu trong vòng 2 năm đóng đủ 12 tháng khoản tiền này thì có thể lấy được bảo hiểm thất nghiệp nếu không đi làm.

Dưới đây là ví dụ minh họa mức lương nhận thực tế khi trừ thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội được tham khảo từ trang brutto-netto-rechner.info. Giả sử 1 điều dưỡng viên độc thân có mức lương trước thuế là 3.200 Euro thì khoản thực nhận mỗi tháng sẽ là 2.072,77 Euro. Các khoản chi phí đã đề cập ở trên sau bị khấu trừ sẽ được ghi rõ trong bảng lương (Lohnabrechnung) như bảng phía dưới.

bảng lương minh hoạ cấp bậc thuế tại Đức

Hiện nay mức lương tối thiểu của điều dưỡng viên sau khi tốt nghiệp tại Đức đã được tăng lên 3 bậc từ tháng 10 năm 2022. Các bạn có thể tham khảo tại bài viết này.

Trợ cấp thuế: Trường hợp nào thì được miễn hoặc giảm thuế ở Đức?

Đây là khoản trợ cấp hàng năm sẽ được miễn thuế khi người lao động phải chi trả để nuôi dạy con cái hoặc chăm sóc người thân. Tiền thuế cho các khoản chi trên sẽ được khấu trừ hoặc miễn giảm tuỳ theo điều kiện của từng cá nhân hoặc gia đình. Hàng năm, sở thuế sẽ dựa vào cấp bậc thuế tại Đức cũng như các loại thuế để tính toán khoản trợ cấp này. Cụ thể về các trường hợp được miễn giảm thuế được quy định như sau:

  • Trợ cấp cơ bản: Gói trợ cấp này miễn thuế một phần thu nhập của người lao động. Với mức thu thập dưới 10.324 Euro vào năm 2022 thì người lao động tại Đức sẽ được miễn thuế. Chính phủ Đức dự kiến nâng mức thu nhập cơ bản này lên 10.908 Euro vào năm 2023.
  • Arbeitnehmerpauschbetrag/Werbungskostenpauschbetrag: người lao động ở Đức có thể liệt kê các chi phí liên quan đến công việc trong tờ khai thuế của mình và xin lại thuế hàng năm. Đây là “chi phí để có được, đảm bảo và duy trì thu nhập” (§ 9 Đoạn 1 Khoản 1 Đạo luật thuế thu nhập, EStG). Mỗi năm người lao động được phép kê khai tối đa 1.200 Euro mà không cần biên lai hoặc hoá đơn chứng minh.
  • Sonderausgabenpauschbetrag/Sozialausgabenpauschbetrag: Các chi phí đặc biệt bao gồm các khoản đóng góp cho các chế độ hưu trí theo luật định và tư nhân, đóng góp cho bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và điều dưỡng, chi phí đào tạo, thuế nhà thờ và quyên góp hoặc phí thành viên. Nếu không có thêm chi phí đặc biệt nào được ghi trong tờ khai thuế cho năm 2021, cơ quan thuế sẽ tự động tính khoản phí cố định của chi phí đặc biệt. Số tiền này lên tới 36 Euro mỗi năm cho người độc thân và 72 Euro cho người đã kết hôn.
  • Vorsorgepauschbetrag/Vorsorgepauschale: Khoản phí này được xem xét khi đóng thuế thu nhập và chi phí an sinh xã hội của người nộp thuế sẽ được miễn thuế. Phần thuế được miễn này sẽ được trừ trực tiếp trong khoản tiền lương mỗi tháng, phụ thuộc vào tổng thu nhập tương ứng và được quy định chính xác trong § 39b đoạn 2 số 3 EStG.
  • Alleinerziehendenentlastungsbetrag: Số tiền cứu trợ cho cha mẹ đơn thân là khoản đóng góp giúp giảm bớt thuế cho họ. Chi phí này có thể được khấu trừ vào tổng thu nhập phải đóng thuế trong năm dương lịch nếu hộ gia đình có ít nhất một con mà người đó được hưởng trợ cấp trẻ em. Khoản phí đã được tăng lên đáng kể do đại dịch Corona ở Đức. Mức tăng này sẽ duy trì vĩnh viễn ở mức 4.008 EUR từ năm 2022. Đứa con thứ hai cộng thêm 240 Euro, tổng cộng là 4.248 Euro/năm.
  • Kinderfreibetrag: Trợ cấp trẻ em là khoản trợ cấp được miễn thuế tại Đức. Đối với năm 2021 và 2022, trợ cấp trẻ em đã tăng lên 5.460 Euro cho mỗi gia đình, tương đương 2.730 Euro cho mỗi phụ huynh.
  • Trợ cấp cho nhu cầu chăm sóc trẻ em hoặc giáo dục: 1.464 Euro (cả bố và mẹ cùng nhau 2.928 Euro).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!