Lễ Phục Sinh (Ostern) vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm là một trong những thời điểm thú vị ở Đức mà bạn có thể chứng kiến và trải nghiệm trong quá trình du học của mình dù có theo đạo Kito hay không. Vậy lễ Phục sinh 2023 rơi vào ngày nào? Cùng VICAT cập nhật những thông tin cơ bản về lễ hội khá phổ biến này để có thể ăn mừng cùng người Đức một cách đúng điệu các bạn nhé!
>> 6 lễ hội ở Đức du học sinh không nên bỏ qua
Cách tính ngày lễ Phục Sinh 2023
Mỗi năm lễ Phục Sinh sẽ rơi vào những ngày khác nhau dựa trên một quy luật rõ ràng. Các tín đồ Kitô giáo tin rằng Chúa Giêsu sống lại vào ngày Chủ nhật nên lễ Phục Sinh sẽ không diễn ra vào các ngày khác trong tuần. Cụ thể thì lễ Phục Sinh sẽ rơi vào ngày Chủ nhật đầu tiên tính từ ngày rằm (trăng tròn) đứng sau tiết Xuân phân. Ví dụ như năm 2023 có tiết Xuân phân là ngày 21 tháng 3 và Chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng rằm liền kề là ngày 9 tháng 4. Vì vậy lễ Phục Sinh năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 4.
Hoạt động thanh lọc cơ thể và tâm trí đón lễ Phục Sinh
Để chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, người Đức theo Kitô giáo sẽ hạn chế ăn uống và kiêng cử nhiều thứ trong 40 ngày trước đó nhằm tưởng niệm sự hy sinh của Chúa Giêsu. Thức uống có cồn, đồ ngọt, thịt thà, thuốc lá và điện thoại hay máy tính là những món ít được sử dụng trong khoảng thời gian này. Phần thưởng cho quá trình thanh lọc cơ thể này chính là những thanh sô-cô-la ngọt ngào vào ngày lễ chính thức. Bạn có thể thử áp dụng cách chế độ ăn uống chay tịnh này để vừa cải thiện sức khỏe vừa được trải nghiệm một mùa lễ Phục Sinh đúng nghĩa ở Đức.
Thưởng thức những món ăn đặc trưng mùa lễ Phục Sinh
Người Đức sẽ ăn mừng lễ Phục Sinh với các món đặc trưng như trứng, thịt cừu và cá vì một số lý do nhất định. Trứng được chọn vì đây là biểu tượng cho khả năng sinh sản và cuộc đời mới trong quan niệm của người Đức nói riêng và một số nền văn hóa khác nói chung. Với những người theo đạo Kitô, quả trứng còn là hình ảnh ẩn dụ của ngôi mộ và đập vỡ trứng ra sẽ được xem là sự phục sinh của Chúa. Trứng sẽ được luộc theo kiểu lòng đào và chỉ được ăn vào Chủ nhật hoặc thứ Hai Phục Sinh. Trước đó các quả trứng có thể được dùng để trang trí bằng cách vẽ lên vỏ trứng cho đến khi đem đi luộc.
Một số hộ gia đình khác sẽ chọn tổ chức tiệc vào ngày thứ Sáu hoặc tối thứ Năm trong tuần lễ Phục Sinh. Cừu nướng là món ăn không thể thiếu trong bữa tiệc vì chúa Giêsu có xuất thân Do Thái vốn không ăn thịt heo. Với lý do tương tự, có tới 40% người Đức lựa chọn món cá cho thực đơn của buổi tiệc này.
Hoạt động săn trứng mừng lễ Phục Sinh
Trẻ em ở Đức có truyền thống tham gia hoạt động tìm trứng Phục Sinh hoặc các món quà khác để ăn mừng ngày lễ này. Các bậc phụ huynh sẽ dấu các quả trứng đầy màu sắc ở nhiều nơi trong vườn hoặc trong nhà vào sáng Chủ nhật Phục Sinh để trẻ nhỏ đi tìm. Nhiều trường học, nhà thờ và các tổ chức cộng đồng địa phương cũng thường tổ chức những cuộc săn trứng mà bạn có thể chủ động đăng ký tham gia hoặc rủ rê bạn bè cùng nhau tổ chức để hưởng ứng và trải nghiệm truyền thống này.
Những món quà được ưa chuộng trong dịp lễ Phục Sinh
Sô-cô-la hình thỏ Phục Sinh là mặt hàng được yêu thích nhất của người Đức trong dịp lễ này với mức tiêu thụ tăng hơn 50% so với các thời điểm khác trong năm, kể cả dịp Giáng Sinh. Thỏ được lựa chọn làm linh vật của lễ hội này vì chúng là giống loài đầu tiên sinh con đẻ cái vào mùa xuân. Ước tính mỗi hộ gia đình tại Đức nhấm nháp ít nhất 1,1 kg sô-cô-la thỏ Phục Sinh trong mùa lễ hội, bỏ xa sô-cô-la hình ông già Noel. Để chuẩn bị cho mức tiêu thụ khổng lồ vào mùa lễ này, ngành công nghiệp bánh kẹo ở Đức đã sản xuất khoảng 126 triệu con thỏ Phục Sinh mỗi năm.
Đồ chơi trẻ em cũng là loại quà tặng phổ biến ở Đức với tổng giá trị tiêu thụ có thể lên đến 200 triệu Euro vào dịp lễ Phục Sinh hàng năm. Ngoài ra thì những món quà đơn giản như sách, hoa, đồ ăn nhẹ hay các sản phẩm thủ công cũng là lựa chọn có thể cân nhắc để tặng cho nhau trong dịp này. Tuy nhiên tặng quà không phải là hoạt động bắt buộc của lễ Phục Sinh bạn nhé.
Các hoạt động khác để ăn mừng lễ Phục Sinh
Lễ Phục Sinh tại Đức từ lâu đã trở thành một kỳ nghỉ gia đình chứ không đơn thuần dành riêng cho các tín đồ Thiên Chúa Giáo nên nhiều người Đức thường nhân dịp này để đi thăm người thân. Nếu bạn là du học sinh và không có ý định đi đâu chơi xa vào dịp lễ này thì có thể thử đi chợ Phục Sinh mua sắm phụ kiện hoặc các sản phẩm thủ công cho mục đích tân trang nhà cửa, tặng quà cho trẻ em hoặc tham gia nghi thức đốt lửa.
Tập quán đốt lửa này được tổ chức vào đêm thứ Bảy trong tuần Phục Sinh (gọi là Osterfeuer trong tiếng Đức). Ngọn lửa là biểu tượng cho sự hồi sinh của Chúa Giêsu và ánh sáng Ngài mang đến thế gian. Người Đức có niềm tin rằng nếu ngọn lửa bùng cháy càng cao thì càng đem lại may mắn vì ánh sáng của lửa sẽ bảo vệ họ khỏi bệnh tật và những điều xui xẻo. Đống lửa này sẽ được giữ cho tới rạng sáng ngày Chủ nhật Phục Sinh.