Cách giáo dục của người Đức

giao duc phuong tay va phuong dong
Rate this post

“Thoả thuận” có thể nói là từ phù hợp nhất mà tôi cảm nhận về cách giáo dục của người Đức. Thật khác với cách dạy của người Việt chúng ta “mềm nắn rắn vuông” hay “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, người Đức có cách giáo dục đặc biệt đầy tính thuyết phục riêng của họ. Ở đây tôi không bàn về việc giáo dục nước nào tốt hơn, tôi chỉ là người chứng kiến và các bạn hãy đọc, cảm nhận câu chuyện 1 năm thu được từ thực tế của tôi nhé.

giáo dục phương Tây và phương Đông

Những triết lí giáo dục phương Tây vốn có nhiều điểm khác biệt với phương Đông

Đối với những đứa trẻ Đức, chúng được phát triển tự do cái tôi cá nhân của mình. Đơn cử, chúng luôn được bố mẹ hỏi là muốn gì, thích gì, kế hoạch là gì… và khi nguyện vọng là chính đáng, bố mẹ chúng sẽ đáp ứng. Ngược lại nếu không phù hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh, ông bố bà mẹ Đức sẽ “lạnh lùng” vô cùng nói “không” bất chấp tiếng gào thét hay sự phản đối dữ dội từ con họ. Nhưng tôi đã chỉ ra cái cách mà được áp dụng nhiều nhất trên đất nước xinh đẹp này đó là dung hoà tình cảm tốt đẹp giữa bố mẹ và con cái, đưa ra sự “thoả thuận”.

Thật vậy, người Đức thoả thuận với con cái họ giữa “được và mất”. Ví dụ nhé, chúng muốn chơi điện tử và chúng phải thoả thuận với bố mẹ rằng cho chúng chơi đi, đổi lại chúng sẽ giúp họ làm vườn, xếp gọn đồ chơi, dọn bàn ăn…Vì thế, khi nhờ 1 đứa trẻ làm gì, hãy nhớ chúng cũng sẽ “sòng phẳng” với các bạn đấy nhé.

Ngay từ nhỏ, chỉ khoảng 7-8 tuổi, trẻ con Đức đã được dạy cách tự quản lý tiền của mình. Hàng tháng chúng sẽ được bố mẹ chuyển 1 số tiền nhất định vào tài khoản mang tên chúng. Tuy nhiên việc chi tiêu sẽ được bố mẹ cai quản chặt chẽ, khi chúng rút tiền thì luôn phải cầm hoá đơn có ngày tháng, số lượng hay nội dung mua sắm, giá cả về cho bố mẹ. Nếu không hợp lý hoặc quá tự do chi tiêu, chúng sẽ bị bố mẹ phạt theo 1 cách nào đó, có thể là rất nhiều tháng sau đó sẽ không được nhận tiền nữa. Vì thế, chúng tự hợp lý hoá chi tiêu và biết cách tiết kiệm tiền của mình.

Tôi còn cảm nhận được sự quan tâm đúng cách của các ông bố bà mẹ Đức với con của mình qua sự hỏi han đều đặn. Ví dụ như, đến bữa trưa bố mẹ luôn hỏi: ”Hôm nay các con đã học được gì và chơi gì ở trường?” và chúng sẽ kể mọi tiết học, mọi hoạt động diễn ra như thế nào. Từ đó bố mẹ biết con mình tiếp thu được những gì và tâm sinh lý buồn vui của con ra sao. Hơn thế, họ luôn dành thời gian của mình để ngồi học với con mặc dù bận rộn vô cùng và mọi thắc mắc của con sẽ được giải đáp 1 cách khoa học với sự niềm nở, hào hứng.

Đây cũng là vấn đề mà theo tôi mọi người làm cha mẹ nên học hỏi, vì những đứa trẻ trong quá trình phát triển luôn có hàng vạn những câu hỏi vì sao và mong muốn được giải đáp. Tuy nhiên vì quá bận rộn hay tâm trạng mệt mỏi, chúng ta thường cáu gắt và không trả lời chúng. Dần dà chúng sợ và cũng chẳng dám hỏi dám biết, dẫn đến hậu quả là chúng thu nạp được rất ít kiến thức bổ trợ cho sự phát triển trí thông minh sau này.

giáo dục con ở ĐỨc

Tôi còn muốn chia sẻ với các bạn về cách giáo dục của người Đức tại trường học, đơn cử là trường dạy tiếng – nơi tôi đã theo học. Không khí vui vẻ, thân thiện, thoải mái là cái tôi cảm nhận được rõ nét nhất. Bạn có thể ngồi lên bàn, gác chân lên ghế, mặc quần sóc… đến lớp và tự do phát biểu, chia sẻ. Ở đây khoảng cách giáo viên và học sinh dường như bị xoá bỏ, thật khác với những quy phạm chuẩn mực với trường lớp phương Đông của chúng ta. Các thầy cô giáo Đức luôn đánh giá rất cao về việc chăm chỉ làm bài tập về nhà. Tuy nhiên họ không bắt phạt hay ép buộc mà khi chúng ta làm thậm chí họ luôn nói “cảm ơn”.

Hay 1 khoá Seminar tôi đã tham gia ở trường Đại học, các bạn sinh viên cũng tự làm chủ giờ học của mình và giảng viên chỉ lắng nghe rồi đưa ra kết luận chung. Sinh viên và giảng viên có thể tranh cãi hàng giờ về 1 chủ đề mà hoàn toàn thoải mái mang tính xây dựng. Theo tôi, tính chủ động của các bạn sinh viên ở Việt Nam cũng dần được cải thiện khá nhiều, tuy nhiên chưa rõ rệt vì tâm lý chúng ta từ bé là “sợ làm sai, sợ nói sai” và đôi khi sự phản biện còn vô tình dẫn đến phá vỡ chuẩn mực đạo đức.

Trên đây là những câu chuyện qua lăng kính thực tế của tôi về cách giáo dục của người Đức với con cái và rèn rũa nhân tài của đất nước họ. Sau này, khi đã sống và học tập hay làm việc tại Đức, chắc chắn các bạn cũng sẽ có cách cảm riêng của mình. Hi vọng với những bạn quan tâm đến du học Đức sẽ có cách nhìn nhiều chiều hơn về cách giáo dục phương Tây này.

Cảm ơn sự ủng hộ của các bạn!!!

Giới thiệu về tác giả: Phùng Quỳnh Trang

  • Sinh viên khoa Đức trường đại học Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội
  • Đã tham gia chương trình Aupair một năm tại Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!