Bí kíp chuẩn bị hành lý cho du học sinh Đức từ A đến Z

di du hoc tieng anh o philippines duoc mang theo may kg
Rate this post

Nếu chỉ có khoảng 30-40 kg hành lý để chuẩn bị cho cuộc sống 3-4 năm tới tại Đức thì bạn nên mang những gì? Đồ gì nên xếp vào vali xách tay và đồ gì nên đóng vào hành lý ký gửi? Những vật dụng gì bạn tuyệt đối không được mang vào nước Đức? Tất cả sẽ được VICAT giải đáp trong bài viết dưới đây bằng cách phân loại theo từng nhóm vật dụng cụ thể để bạn dễ theo dõi.

 

Giấy tờ quan trọng nên để trong hành lý xách tay

Chuẩn bị hành lý cho du học sinh Đức quan trọng nhất là các loại giấy tờ tuỳ thân kèm bản dịch công chứng. Tất cả những loại giấy tờ dưới đây đều nên có bản scan của bản gốcbản dịch có công chứng để nếu trường hợp mất mát không mong muốn xảy ra thì bạn vẫn có thể linh động giải quyết. Đồng thời, bạn nên giữ 1 bản trong usb1 bản online để có thể truy cập ở bất cứ đâu.

  • Hộ chiếu kèm visa. Bạn có thể ghi địa chỉ liên lạc bằng bút chì vào phía cuối hộ chiếu đề phòng thất lạc.
  • Chứng minh nhân dân (CMND)/ thẻ căn cước
  • Giấy khai sinh
  • Giấy tờ bản gốc liên quan đến việc xin visa du học Đức như giấy báo nhập học, biên bản chứng minh tài chính, hợp đồng làm việc, chứng chỉ tiếng Đức,…
  • Các loại bằng cấp cần thiết cho việc xin nhập học khác như chứng chỉ nghề sơ cấp, học bạ cấp 3, bằng tốt nghiệp THPT, giấy báo trúng tuyển đại học, bằng ĐH tại Việt Nam,…
  • Khoảng 4 tấm ảnh hộ chiếu (Passfoto) đúng chuẩn 35 x 45 mm để đi gia hạn lần đầu và làm thẻ bảo hiểm y tế. Khi gia hạn những lần tiếp theo thì không được dùng ảnh cũ quá 6 tháng nên có thể chụp ở cây tự động tại Đức với giá khoảng 5 Euro (140 ngàn)/lần.

 

Tiền mặt và tài khoản ngân hàng

Sau khi sang Đức bạn cần thực hiện các thủ tục như đăng ký địa chỉ thường trú (Anmeldung) thì mới có thể mở tài khoản ngân hàng hoặc kích hoạt tài khoản chứng minh tài chính. Do không phải lúc nào cũng có sẵn lịch hẹn đi Anmeldung nên du học sinh sẽ mất khoảng 3-6 tuần để có thẻ ngân hàng. Vì vậy bạn nên chuẩn bị một khoảng tiền mặt đủ chi tiêu trong thời gian đầu ở Đức khoảng 900 Euro là đủ cho chi phí sinh hoạt trung bình tại Đức. Không nên mang theo tiền mệnh giá từ 200 Euro trở lên mà nên chuẩn bị tiền lẻ 5 Euro, 10 Euro, 20 Euro để dễ dàng mua vé tàu hay sắm sửa các vật dụng cần thiết ban đầu. Một lưu ý khi nhập cảnh vào Đức là nếu bạn cầm hơn 10.000 Euro tiền mặt thì sẽ phải khai báo với hải quan cũng như chứng minh nguồn gốc của số tiền đó.

 

Đồ dùng vệ sinh cá nhân

Tất cả vật dụng cá nhân cần thiết đều có thể dễ dàng mua được với giá cả phải chăng tại các chuỗi siêu thị tạp hoá ở Đức như Rossmann, DM, Budni,… nên chỉ cần mang theo những thứ cần thiết nhất để dùng trong những ngày đầu và tại sân bay. Mỹ phẩm và chăm sóc da thì bạn có thể mang phiên bản du lịch để dùng khi mới sang. Môi trường khí hậu ở Đức thiên khô nên bạn sẽ phải thay đổi toàn bộ chu trình chăm sóc da của mình.

 

chuẩn bị hành lý cho du học sinh, du học sinh mang gì đi Đức

Trang phục và phụ kiện

Đa số quần áo mang từ Việt Nam sang sử dụng ở Đức rất nhanh hỏng. Nhưng bạn đừng quá lo lắng vì vào các mùa giảm giá lớn trong năm ở Đức bạn có thể mua được quần áo rất xịn với giá mềm ngang ngửa hay thậm chí rẻ hơn ở Việt Nam. Dưới đây là danh sách những đồ nên chuẩn bị từ Việt Nam:

  • 1 chiếc áo khoác ấm có thể chống nước và tuyết nếu bạn sang vào mùa đông (từ tháng 11 tới tháng 4) và 1 chiếc áo khoác mỏng vừa cho mùa xuân và thu
  • Mũ, găng tay, khăn cổ
  • 1 – 2 chiếc sơ mi hoặc áo trang trọng để đi phỏng vấn, gặp sếp hoặc làm giấy tờ ở sở ngoại kiều
  • Áo dài truyền thống cho nam và nữ nếu bạn là người thích giao lưu văn hoá hoặc tham gia các dịp lễ trang trọng
  • Quần bò, quần âu các loại: các bạn nhỏ người nên mua sẵn quần ở Việt Nam vì kích cỡ của người Đức khá to, bạn có thể mặc vừa áo nhưng với quần thì đôi khi không có cỡ phù hợp với bạn
  • Áo phông, áo len, áo vest, váy
  • Tất mỏng và dày, đồ lót đủ dùng trong 3-4 tháng đầu
  • 1 – 2 đôi giầy thể thao tốt
  • Dép đi trong nhà dùng trong trường hợp ở kí túc xá có phòng tắm chung cần có dép riêng
  • Kính cận có gọng hoặc kính áp tròng cho những ai bị cận và nên chuẩn bị thêm 1 cặp dự phòng vì tiền mua kính ở Đức khá cao, dao động từ 150 – 1,000 Euro/ cặp nhưng lại ít lựa chọn về kiểu dáng và màu sắc.

Thuốc men

Bạn nên chuẩn bị trước các loại thuốc cơ bản như thuốc hạ sốt, nhức đầu, trị cảm cúm, giảm đau, thuốc đau bụng, dầu gió, men tiêu hóa và một số kháng sinh cần thiết tùy thể trạng từng người. Ở Đức thường không bán thuốc kháng sinh liều cao nếu không có đơn của bác sĩ nên các bạn nhất thiết phải chuẩn bị trước. Số thuốc này chỉ nên vừa đủ cho thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để tránh hết hạn sử dụng. Riêng thuốc lá thì mỗi người được phép mang vào Đức tối đa 1 cây thuốc và đóng gói trong hành lý ký gửi.

Trước khi đi bạn nên tìm hiểu kĩ về các loại thuốc hợp pháp để tránh việc vô tình vi phạm luật dẫn đến không được nhập cảnh. Nếu có bệnh và cần mang theo thuốc đặc thù thì nên đóng gói đầy đủ vỏ hộp và xin đơn thuốc của bác sĩ để phòng trường hợp cần giải thích nguồn gốc. Bạn tuyệt đối không được mang theo các loại thuốc không rõ xuất xứ. Đối với các loại thuốc bổ, vitamin hay thực phẩm chức năng thì bạn mua ở Đức sẽ đảm bảo chất lượng hơn.

Đồ dùng học tập và các thiết bị điện tử

Đức là thiên đường của các hãng vật dụng học tập chất lượng và nổi tiếng nhưng giá thành khá cao nên nếu muốn tiết kiệm thì bạn nên chuẩn bị trước ở Việt Nam. Đừng nên mang quá nhiều đồ dùng học tập vì bạn sẽ dùng máy tính và tư liệu điện tử nhiều hơn là ghi chép thông thường. Bạn có thể chuẩn bị theo danh sách dưới đây:

  • Bút bi, bút chì, ngòi chì, tẩy, bút xoá, thước kẻ, tập vở
  • Máy tính bỏ túi dùng cho các môn toán hoặc vật lý
  • Các loại sách chuyên ngành bằng tiếng Việt (nếu không có bản ebook)
  • Điện thoại có thể dùng được sim quốc tế, cài bộ gõ tiếng Đức và kết nối được internet
  • Laptop tốt, pin, sạc đầy đủ, cài bộ gõ tiếng Đức và cài sẵn các phần mềm văn phòng
  • Nồi cơm điện nên cầm 1 cái nhỏ, ở Đức có bán nhưng đắt
  • Ổ cắm điện ở Đức khá giống Việt Nam với ổ 2 chấu. Nếu bạn cần ổ sạc 3 chấu hoặc ổ dẹt thì nên tự mang theo.
  • USB và sạc dự phòng nếu cần

Đồ ăn được và không được mang theo vào Đức

Những ngày đầu bạn có thể chưa quen với ẩm thực ở Đức nên hãy chủ động mang theo một số đồ ăn cơ bản như mì tôm hoặc đồ ăn vặt để chống đói. Các loại gia vị khô Việt Nam như ngũ vị hương, nấm hương, tôm khô, gia vị nấu phở đều có bán trong các chợ châu Á nên bạn không cần đem. Tất cả những loại thực phẩm được mang theo phải đóng gói trong hành lý ký gửi.

Thực phẩm được mang theo:

  • Các chế phẩm từ hải sản: mực khô, tôm khô, cá khô,… nhưng phải hút chân không trong túi trong suốt và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
  • Các loại vật phẩm có mùi nặng như sầu riêng, nước mắm, mắm tôm,… phải để trong hành lý ký gửi.

Thực phẩm không được mang theo:

  • Các chế phẩm từ thịt gia súc hay gia cầm như: ruốc, thịt bò khô, thịt đóng hộp, pate, xúc xích,…
  • Các chế phẩm từ sữa như phô mai, kem, sữa chua, bơ,…

Các lưu ý khi chuẩn bị hành lý cho du học sinh

Khai báo thuế ở sân bay

Nước Đức và liên minh châu Âu quy định sản phẩm có giá trị từ 400 Euro trở lên được coi là đồ xa xỉ nên phải khai báo khi nhập cảnh để kiểm tra việc đăng ký thuế. Nếu là đồ vật cá nhân và không có mục đích kinh doanh thì bạn nên tháo bỏ nhãn mác hay vỏ hộp đính kèm.

Sân bay sẽ có 2 cổng ra, 1 cổng dành cho những ai không cần khai báo thuế (Nothing to claim) và cổng còn lại cho những ai cần khai báo thuế với hàng xa xỉ hoặc hàng để kinh doanh (Tax claim). Bình thường bạn có thể đi qua cổng số 1 nhưng có thể bị chặn lại và yêu cầu kiểm tra hành lý. Khi bị kiểm tra, bạn hãy bình tĩnh và hợp tác bởi đây chỉ là quy trình bình thường. Nếu họ hỏi giá một món đồ nào đó thì bạn có thể nói đây là quà sinh nhật hoặc đồ dùng cá nhân mua ở Việt Nam không có hoá đơn.

 

Đóng đồ vali xách tay

Hành lý xách tay hợp lệ là 1 balo hoặc vali xách tay có trọng lượng không quá 10kg với kích thước chiều dài x rộng x cao tiêu chuẩn không vượt quá 55 cm x 40 cm x 25 cm (thay đổi tuỳ theo quy định của hãng bay). Các bạn nữ sẽ được phép mang theo 1 túi xách cá nhân để vừa dưới gầm ghế ngồi. Trong hành lý xách tay, bạn nên để những đồ vật có giá trị, giấy tờ quan trọng cũng như những vật dụng cần lấy ra để kiểm tra an ninh.

Bạn chỉ được phép mang các loại chất lỏng có dung tích dưới 100 ml mỗi lọ và để trong túi zip chống thấm nước. Tổng dung tích các lọ không quá 1000 ml. Laptop, các thiết bị điện tử có pin cũng phải để trong hành lý xách tay để dễ dàng kiểm tra an ninh. Nếu bạn mang theo các loại chất dễ gây cháy nổ như bật lửa ga, bình xịt nén, dao, kéo, đồ nhọn có thể gây sát thương thì sẽ bị nhân viên sân bay tịch thu tại chỗ.

 

Đóng đồ hành lý ký gửi

Giới hạn cân nặng và số lượng kiện hàng của mỗi hành khách sẽ khác nhau theo từng hãng bay và loại vé nhưng thường thì mỗi kiện hàng ký gửi không được phép vượt quá 30 kg. Một số hãng bay của Nga chỉ cho phép tối đa 23kg/ kiện hàng.

Với hành lý ký gửi, bạn được phép để đồ uống có cồn hoặc các sản phẩm dạng lỏng có dung tích trên 100 ml tùy quy định của mỗi hãng bay. Dao, kéo, đồ nhọn có thể gây sát thương cũng được phép mang trong hành lý ký gửi.

Bạn không nên để các thiết bị điện tử có pin, sạc hoặc nam châm điện. Nồi cơm điệm hay máy làm tóc vẫn được phép đóng gói trong hành lý ký gửi vì không có pin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!