Ngoài nắm vững kiến thức chuyên môn, nghề điều dưỡng còn đòi hỏi bạn phải có một số kỹ năng mềm khác thì mới có thể chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Cùng VICAT tìm hiểu các kỹ năng mềm này trong bài viết dưới đây để bạn có thể chủ động chuẩn bị và rèn luyện ngay khi còn ở Việt Nam!
Giao tiếp tiếng Đức lưu loát
Du học điều dưỡng ở Đức thì phải biết tiếng là chuyện hiển nhiên nhưng bạn phải có tâm thế là phải càng giỏi tiếng Đức càng tốt, đặc biệt là kỹ năng nói. Điều dưỡng viên là người tiếp xúc với bệnh nhân cũng như gia đình người bệnh nhiều nhất nên kỹ năng giao tiếp cần được chú trọng luyện tập. Trước khi có thể giao tiếp tiếng Đức trôi chảy, bạn sẽ cần phải tự vượt qua nỗi sợ nói sai và tự ti của mình.
Trong quá trình khám chữa bệnh, truyền đạt thông tin chính xác là vô cùng quan trọng. Chỉ cần bác sĩ, điều dưỡng viên hay bệnh nhân hiểu sai thông tin thì dễ dẫn đến các hậu quả khó lường. Đó là chưa kể người bệnh vốn có tâm lý nhạy cảm nên bạn còn cần biết lựa lời để giao tiếp một cách phù hợp trong từng hoàn cảnh nhất định. Nếu bạn chọn học tiếng Đức ở trung tâm VICAT thì có thể cân nhắc khoá học “B2 chuyên ngành điều dưỡng” tại Việt Nam để được trang bị những từ vựng chuyên ngành cũng như các cấu trúc câu thường được sử dụng trong công việc điều dưỡng hàng ngày tại Đức.
>> 6 dấu hiệu nhận biết một trung tâm tiếng Đức tốt
Làm việc nhóm
Môi trường làm việc của nghề điều dưỡng đòi hỏi bạn có cả khả năng làm việc độc lập lẫn tập thể. Trong một số thời điểm, bạn có thể phải thay ca cho đồng nghiệp nhưng đừng tỏ vẻ khó chịu vì tương lai bạn sẽ được giúp đỡ ngược lại. Khi tham gia những buổi họp giao ban hay tổng kết nội bộ, bạn nên chủ động lắng nghe và phối hợp ăn ý với đồng nghiệp. Dĩ nhiên bạn sẽ khó tránh khỏi những tình huống bất đồng quan điểm nhưng nên cố gắng hành xử chừng mực. Nhìn chung, điều dưỡng viên không chỉ cần làm tốt phần việc của mình mà đồng nghiệp cũng cần được hỗ trợ thì bệnh nhân mới có thể nhanh chóng hồi phục.
Giải quyết vấn đề nhanh nhạy
Công việc điều dưỡng ở bất cứ khoa nào cũng đòi hỏi sự tập trung cao độ và kỹ năng xử lý tình huống nhanh chóng. Dù bạn làm việc ở khoa hồi sức cấp cứu, chăm sóc trẻ nhỏ hay viện dưỡng lão thì đều có gặp phải những tình huống đòi hỏi ứng phó kịp thời. Chẳng hạn như một bệnh nhân tại viện dưỡng lão bị ngã đập đầu thì bạn sẽ cần đưa ra quyết định nên gọi cấp cứu, thực hiện các biện pháp sơ cứu hay tìm sự trợ giúp của đồng nghiệp trước. Để rèn luyện kỹ năng phân tích tình hình, bạn nên chịu khó quan sát và học hỏi cách những đồng nghiệp lâu năm xử lý tình huống.
Kiểm soát tinh thần tốt
Ngoài việc giải quyết vấn đề linh hoạt, điều dưỡng viên nên tự trang bị thêm cho mình tâm lý vững vàng vì tính chất công việc phải đối mặt với bệnh tật, chuyện sinh tử hay máu me hàng ngày. Những điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tinh thần của bạn nếu không tự ý thức kiểm soát suy nghĩ của bản thân. Vì công việc điều dưỡng liên quan đến tính mạng con người nên áp lực trong mỗi ca trực cũng không nhỏ, nhất là những ai làm trong khoa cấp cứu hoặc hồi sức có tính cấp bách cao.
Tin học văn phòng
Ở những quốc gia có xã hội phát triển như Đức thì công nghệ thông tin đã góp mặt ở mọi khía cạnh trong đời sống nên điều dưỡng viên bắt buộc phải tự trang bị cho mình kiến thức tin học cơ bản để thích nghi. Việc biết sử dụng các phần mềm cơ bản trên máy tính như Microsoft Word/ Excel/ Powerpoint sẽ giúp ích cho bạn trong việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân hay truyền đạt các thông tin bệnh lý nói chung với đồng nghiệp hoặc gia đình người bệnh. Nếu bạn muốn thăng tiến lên vị trí quản lý thì càng phải cố gắng thành thạo tin học và chủ động ứng dụng công nghệ vào công việc để mọi thứ có thể vận hành một cách nhanh chóng và tốn ít công sức nhất.
Quản lý thời gian
Trong quá trình học nghề, bạn sẽ phải biết quản lý thời gian biểu để cân bằng việc học trên lớp lẫn tham gia thực tập. Sau khi tốt nghiệp và đi làm, bạn sẽ cần biết cách sắp xếp thời giờ để ngủ đủ giấc hoặc tập luyện thể dục hàng tuần nhằm đảm bảo luôn có sức khỏe tốt phục vụ cho công việc điều dưỡng khá là vất vả. Nếu biết cách vạch kế hoạch tốt thì sức khỏe của bạn vẫn không bị ảnh hưởng nghiêm trọng dù có tăng ca nhiều giờ ra sao. Ban đầu mọi thứ sẽ hơi xáo trộn nhưng nếu bạn chịu khó cố gắng cộng với sự giúp sức từ đội ngũ VICAT (nếu bạn chọn học nghề điều dưỡng với VICAT) thì mọi chuyện sẽ sớm đâu vào đó.
>> 6 khó khăn khi làm nghề điều dưỡng ở Đức bạn có thể gặp phải