Cập nhật những thông tin mới nhất về công tác hỗ trợ dành cho người tị nạn đến từ Ukraine. Bên cạnh đó, những thông tin quan trọng cần lưu ý dành cho người Ukraine nói chung và đồng bào Việt Kiều nói riêng khi đến Đức tị nạn sẽ được cập nhật ở cuối bài viết!
1. Cập nhật thông tin về công tác cứu trợ người dân đến từ Ukraine
Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 tới nay, đã có hàng triệu người từ Ukraine đi lánh nạn ở các nước Châu Âu lân cận.
Ngay từ khi tin tức về dòng người tị nạn từ Ukraine đổ về các cửa khẩu biên giới để tìm cách thoát khỏi chiến tranh, người Việt ở các nước lân cận như Ba Lan, Romania, Cộng hoà Séc và đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam tại Đức đã lập tức kêu gọi hỗ trợ.
Mạng xã hội Facebook cũng đã được sử dụng để làm nơi thông báo về các hoạt động hỗ trợ của người Việt Nam ở các nước khác nhau, giúp người lánh nạn từ Ukraine, không chỉ đồng bào Việt Kiều mà cả người dân Ukraine có thể tìm đến và nhận sự giúp đỡ.
Từ cung cấp nhu yếu phẩm tại cửa khẩu, các nhà ga chính ở những thành phố lớn như Berlin, Hamburg, Munich…, hỗ trợ phiên dịch, hướng dẫn thông tin, quyên góp tài chính, huy động phương tiện để đón người tị nạn, đến cung cấp chỗ ở và thức ăn. Tất cả đều được cộng đồng người Việt tại khắp các thành phố, liên bang trên nước Đức chung tay thực hiện.
Những chuyến hàng nhân đạo đã được vận chuyển liên tục đến biên giới Ba Lan và Ukraine, đến các trại tị nạn, ở đâu có người cần áo ấm mùa đông và những bữa ăn nóng hàng ngày. Cộng đồng người Việt tại Đức ban đầu là tự phát, sau đã kết nối với nhau để tạo nên những hoạt động hiệu quả giúp đỡ người sơ tán, tổ chức các ca thay phiên nhau túc trực tại nhà ga chính (Berlin) để có thể hỗ trợ cho đồng bào bất cứ lúc nào, không ngại đêm khuya giá rét.
Không chỉ vậy, lớp học tiếng Đức miễn phí tại nhà cho người Việt Nam tại Ukraine lánh nạn chiến tranh cũng đã được Ông Phan Mạnh Cường mở ra với mong muốn giúp đỡ cộng đồng Việt Nam sớm hòa nhập với nước Đức trong tình trạng chiến tranh có thể kéo dài và chưa biết hồi kết.
2. Thông tin quan trọng cần lưu ý dành cho người Ukraine khi đến Đức tị nạn
2.1. Thông tin về việc đăng ký tị nạn cho người tị nạn từ Ukraine:
Nơi tiếp nhận sau khi tới Đức (Ankunftszentrum): Hãy tới ngay nơi tiếp nhận người tị nạn của thành phố mà các bạn sẽ cư trú để đăng ký danh tính và để nhận được những sự giúp đỡ về nơi ăn ở kịp thời. Ở đó các bạn cũng sẽ nhận được giấy chứng nhận danh tính, đây cũng là một bước quan trọng để tạo tiền đề xin được tị nạn chính thức và để nhận được các quyền lợi khác cho người tị nạn.
Ở Berlin thì nơi tiếp nhận tị nạn đầu tiên là Oranienburger Straße 285- Reinickendorf tại cửa Karl-Bonhöffer-Nervenklinik, Haus 2. Sau khi đăng ký ở đây xong, các bạn sẽ được đưa tới cơ quan chuyên trách và cấp chứng nhận danh tính.
Đặt đơn tị nạn: Sau khi đăng ký tị nạn ở nơi tiếp nhận, các bạn sẽ nhận được giấy chứng nhận đã đăng ký. Để đặt đơn xin tị nạn thì các bạn phải mang giấy chứng nhận trên cùng các giấy tờ tùy thân tới Sở tị nạn để đặt đơn.
Ở Berlin: Bundesamt für Migration und Flüchtlinge (BAMF). Địa chỉ và thông tin cụ thể về các nơi này sẽ được thông tin/ hướng dẫn tại nơi tiếp nhận tị nạn.
Quy trình trên cũng áp dụng cho Công dân nước khác (ví dụ Việt Nam) có giấy tờ cư trú hợp pháp tại Ukraine. Tuy nhiên liệu đơn xin tị nạn chiến tranh cho đối tượng này có được xét duyệt hay không và thời gian là bao lâu thì hiện chưa có thông tin chính thức từ phía chính quyền.
***Những điều cần chú ý:
Những công dân Ukraine được phép tới Đức và cư trú tại Đức mà không cần xin visa. Những người không phải công dân Ukraine phải đệ đơn xin visa, tuy nhiên từ lý do nhân đạo thì quy trình này có thể được rút ngắn hoặc bỏ qua.
Những người quốc tịch Ukraine được đề cập ở trên tạm thời được cư trú 90 ngày tại Đức và không được phép đi làm. Họ chưa được nhận các khoản tiền trợ cấp như công dân Đức nhưng sẽ được nhận tiền hỗ trợ và chăm sóc y tế từ Sozialamt – khoản hỗ trợ này tên là Überbrückungsleistungen. Chú ý: để nhận được khoản hỗ trợ này thì các bạn phải đặt đơn, thông tin cụ thể xin hỏi ở Sở tị nạn.
Quy trình xét duyệt đơn của tị nạn chiến tranh từ Ukraine kéo dài bao lâu thì hiện tại chưa có thông tin chính xác. Tuy nhiên, thông thường, nếu đơn xét tị nạn được duyệt thì người tị nạn sẽ được cấp phép cư trú từ 1 tới 3 năm, được phép đi làm và đi học như công dân Đức trong thời gian này.
2.2. Những nơi Việt Kiều tại Ukraine có thể nhận được hỗ trợ
Có rất nhiều đơn vị, cá nhân đang đồng hành cùng chính quyền để hỗ trợ người tị nạn đến từ Ukraine. Danh sách này chỉ mang tính đại diện.
1. Hội người Việt Berlin Brandenburg e.V. và các cơ quan hỗ trợ người Việt tại Berlin có thể hỗ trợ đồng hành bà con về mặt thông tin và ngôn ngữ.
2. Trang hỗ trợ người tị nạn Ukraine ở Berlin
3. Trang hỗ trợ người tị nạn Ukraine tại Đức
3. Các trang cộng đồng hỗ trợ người Việt tại Ba Lan đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đồng bào từ Ukraine sang:
https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/
https://www.facebook.com/groups/692573147511480
2.3. Deutsche Bahn và BVG Berlin hỗ trợ vé tàu cho người tị nạn tới từ Ukraine từ ngày 6/3/2022
Cụ thể, tất cả những người tị nạn đến từ Ukraine khi có hộ chiếu Ukraine được sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong khu vực miễn phí – bao gồm xe buýt, S-Bahn và tàu khu vực, xe điện và tàu điện ngầm. Thông tin này được áp dụng kéo dài đến 31/03/2022.