Danh sách các cấp bậc và nhiệm vụ cụ thể của từng vị trí trong một viện điều dưỡng sẽ được VICAT giải đáp một cách gãy gọn trong bài viết dưới đây.
1. Quản lý viện (Heimleiter)
Quản lý viện điều dưỡng là người đứng đầu và có trách nhiệm điều phối toàn bộ nhân viên và các phòng ban trong viện như Kế toán, Văn thư (Verwaltung), Kỹ thuật (Technik), Nhân sự,… Heimleiter thường không nhất thiết phải có kiến thức chuyên môn về mảng điều dưỡng và sẽ đóng vai trò sếp tổng đối với các học viên nghề. Họ là người đưa ra quyết định cuối cùng về các điều khoản trong hợp đồng làm việc và những vấn đề liên quan đến nhà cửa của học viên.
2. Quản lý điều dưỡng/ Trưởng bộ phận điều dưỡng (Pflegedienstleitung)
Trưởng bộ phận điều dưỡng đảm nhận tổ chức hành chính như phân công nhiệm vụ, lập kế hoạch nhân sự và kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng. Vị trí này sẽ có trách nhiệm trực tiếp theo dõi chất lượng đào tạo của thực tập sinh học nghề (Azubis) tại viện.
3. Trưởng tầng/ Trưởng khoa (Wohnbereichsleiter)
Mỗi viện điều dưỡng còn có nhiều tầng hoặc khoa chịu trách nhiệm chăm sóc các nhóm bệnh nhân khác nhau như:
– Khoa Intensiv dành cho những bệnh nhân bị bệnh khá nặng, có nhiều máy móc hỗ trợ
– Khoa Demenz điều trị bệnh nhân bị đãng trí
– Khoa nội trú
– Khoa ngoại trú
Trưởng khoa có trách nhiệm chăm sóc và tổ chức những hoạt động trong phạm vi khoa mà họ quản lý. Vị trí này có thể được xem là cầu nối giữa bệnh nhân trong viện và đội ngũ nhân viên.
4. Trưởng ca (Schichtleiter)
Trưởng ca có trách nhiệm quản lý các điều dưỡng viên và xử lý các tình huống trong mỗi ca làm. Vị trí trưởng ca thường không cố định và do người có kinh nghiệm hoặc chức vụ cao nhất trong ca đảm nhiệm. Đôi khi một điều dưỡng viên công tác lâu năm cũng có thể làm trưởng ca. Trong mỗi ca làm, học viên nghề sẽ nhận phân công trực tiếp từ trưởng ca.
>> Những luật điều dưỡng ở Đức du học sinh phải học
5. Điều dưỡng viên chuyên nghiệp (Pflegefachfrau/-mann) và người hướng dẫn thực hành (Praxisanleiter/ PA)
Đội ngũ điều dưỡng viên chuyên nghiệp đã hoàn thành chương trình học nghề sẽ được gọi bằng những thuật ngữ sau: Pflegefachfrau (Nữ điều dưỡng viên), Pflegefachmann (Nam điều dưỡng viên), examinierte Pflegefachkraft (Điều dưỡng viên chuyên nghiệp), Gesundheits- und Krankenpflegefachkraft… Tuỳ vào số lượng bệnh nhân của từng khoa, mỗi ca làm đều phải có tối thiểu một điều dưỡng viên chuyên nghiệp. Điều dưỡng viên ấy cũng có thể phụ trách vị trí trưởng ca.
Các điều dưỡng viên khi học thêm một khoá học bổ túc có thể trở thành người hướng dẫn thực hành (PA). PA vừa là sếp vừa là thầy cô giáo của học viên nghề vì mọi bài tập thực hành đều được PA hướng dẫn cụ thể. Đây sẽ là người chấm điểm cho các bài kiểm tra thực hành của học viên nghề. Khoảng thời gian làm việc với PA nên chiếm tối thiểu 10% số giờ làm ở viện. Nếu trong ca làm không có PA, học viên nghề có thể hỏi và tiếp nhận nhiệm vụ từ trưởng ca và các điều dưỡng viên khác có mặt trong ca làm.
6. Hộ lý/ Trợ lý điều dưỡng (Pflegehelfer/in)
Pflegehelfer/in, Pflegehilfskraft hay Krankenpflegehelfer/in là đội ngũ phụ việc của nhân viên y tế và điều dưỡng viên. Nhiệm vụ của họ chỉ giới hạn trong các đầu việc như thay ga giường, phụ giúp cư dân ăn uống, hỗ trợ đi vệ sinh và tắm rửa. Khác với một điều dưỡng viên chuyên nghiệp, họ không được phân phát thuốc, tiêm truyền hay thay băng.
Các bạn học viên hệ chuyển đổi một năm khi sang Đức sẽ bắt đầu luôn ở vị trí trợ lý điều dưỡng chứ không phải học viên nghề. Vị trí này được xem là phần nào thạo việc nên có thể hoạt động độc lập. Thông thường trợ lý điều dưỡng không thể giao việc và hướng dẫn cho học viên nghề. Sau khi học viên nghề đã hoàn thành xong việc của mình thì nên chủ động giúp đỡ các trợ lý điều dưỡng để công việc được diễn ra suôn sẻ.
7. Học viên nghề (Auszubildende, Pflegeschüler/in)
Cấp độ thấp nhất trong viện chắc chắn là các bạn đang học nghề với các tên gọi sau: Auszubildende, Pflegeschüler/in hay Krankenpflegeschüler/in. Đây là các học viên tham gia khoá đào tạo ba năm về điều duõng. Hầu hết các nhiệm vụ của người học nghề đều phải có sự theo dõi và hướng dẫn từ điều dưỡng viên, trưởng ca hay quản lý điều dưỡng.
8. Thực tập sinh (Praktikant)
Nếu chọn học đại học các khối ngành y tế ở Đức thì việc tham gia thực tập điều dưỡng trong 3 tháng là bắt buộc. Với những bạn đã hoàn thành khoá đào tạo nghề điều dưỡng, hoàn thành hoạt động tình nguyện liên bang hoặc một năm xã hội tự nguyện (FSJ) thì sẽ được công nhận như một khoá thực tập điều dưỡng. Thực tập sinh điều dưỡng có vị trí ngang với một học viên nghề trong viện điều dưỡng.
9. Các chức vụ khác
Ngoài ra còn có một số chức vụ khác ở viện điều dưỡng nhưng không được phép giao việc cho các học viên nghề như:
- Đội hỗ trợ cắt tóc, chăm sóc móng tay và móng chân cho bệnh nhân vì điều dưỡng viên không được phép làm những công việc này
- Đội dọn dẹp vệ sinh, thu dọn và giặt quần áo
- Đội Betreuung có nhiệm vụ trò chuyện, đi dạo và tổ chức những buổi gặp gỡ trải trí cho bệnh nhân