Xe đạp là phương tiện cá nhân được nhiều du học sinh tại Đức lựa chọn khi muốn tiết kiệm chi phí vì không cần chi trả các khoản xăng dầu hoặc bảo hiểm. Việc đi xe đạp còn giúp du học sinh chủ động thời gian, thuận tiện di chuyển và rèn luyện sức khỏe. Đi xe đạp tại Đức vẫn cần chấp hành các quy định riêng và nếu người đi xe đạp khi vi phạm luật giao thông tại Đức có thể bị phạt đến 350 Euro/lần (tương đương 9.400.000 VNĐ).
>> Du học Đức: Các phương tiện đi lại phổ biến
Quy chuẩn bắt buộc đối với xe đạp
Khi tham gia giao thông, xe đạp cần được trang bị đầy đủ các thiết bị sau:
- Hai phanh trước và sau hoạt động độc lập;
- Chuông báo;
- Phía trước: đèn pha và gương phản xạ màu trắng;
- Phía sau: gương phản xạ và đèn chiếu hậu màu đỏ;
- Tấm phản quang vàng gắn trên mỗi bánh xe đạp;
- Gương phản xạ màu vàng gắn ở 2 bàn đạp.
Nếu mỗi lần kiểm tra mà xe đạp của bạn thiếu một trong các trang bị kể trên thì sẽ phải chịu mức phạt 10 Euro (tương đương 270.000 VNĐ).
Quy định với người điều khiển xe đạp
Trẻ em dưới 7 tuổi chỉ được ngồi sau bằng ghế chuyên dụng hoặc ngồi trên xe kéo (gắn thêm vào xe đạp). Ngoài những cách đó ra thì việc đèo thêm người trên xe đạp đều bị cấm. Trẻ em từ 8 tuổi có thể đạp xe trên vỉa hè dưới sự giám sát của người lớn, từ 10 tuổi có thể đạp xe dưới lòng đường.
Đường dành cho người đi xe đạp
Người đi xe đạp cần tuân thủ các biển báo đường dành cho xe đạp. Những làn đường có kẻ vạch sơn phân chia làn cho từng loại xe. Bạn cần đi đúng làn đường quy định, nếu vi phạm bạn sẽ bị phạt ít nhất 10 Euro (tương đương 270.000 VNĐ). Người đạp xe trên đoạn vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ sẽ phải nộp phạt từ 55 Euro đến 100 Euro (tương đương 1.500.000 VNĐ đến 2.700.000 VNĐ) thay vì 10 Euro đến 25 Euro theo luật cũ. Ngoài ra, với những làn đường cần chia sẻ với người đi bộ, bạn cần nhường đường và để ý tránh các chướng ngại vật. Bên cạnh đó, bạn chỉ được phép đi với tốc độ tối đa là 30 km/h ngay cả khi di chuyển trong làn đường dành riêng cho xe đạp. Từ năm 2020, trên các cột đèn giao thông sẽ có gắn mũi tên xanh dành riêng cho người đi xe đạp muốn rẽ phải ra khỏi làn đường quy định.
Khoảng cách an toàn
Người đi xe đạp phải giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác là 1,5 mét khi di chuyển trong thị trấn và 2,0 mét với khu vực ngoại ô. Ngoài ra, quy định mới cho phép người đi xe đạp dàn hàng 2 (đi cạnh nhau) trong trường hợp đường có đủ chỗ và không cản trở những phương tiện giao thông khác.
Không quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp
Luật giao thông tại Đức không bắt buộc người đi xe đạp phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên vì sự an toàn của bản thân, hầu hết người đi xe đạp đều tự giác đội mũ bảo hiểm trong quá trình tham gia giao thông.
Giới hạn nồng độ cồn với người đi xe đạp
Điều khiển xe đạp trong lúc say có thể quy vào tội hình sự nếu để lại hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, với nồng độ cồn từ 1,6 phần nghìn trở lên bạn có thể bị cấm lái xe đạp tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong trường hợp nồng độ cồn dưới 1,6 phần nghìn, cảnh sát sẽ không được phép ra lệnh cấm bạn di chuyển bằng xe đạp. Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp nếu để lại hậu quả nghiêm trọng thì bạn vẫn sẽ bị truy tố trước tòa.
Được phép đeo tai nghe khi đi xe đạp
Nghe nhạc hoặc gọi điện thoại bằng tai nghe bluetooth hoặc tai nghe có dây thông thường được cho phép khi đi xe đạp. Tuy nhiên, VICAT khuyến cáo bạn nên sử dụng âm lượng vừa đủ để vẫn đảm bảo theo dõi các tín hiệu cảnh báo và xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Việc đeo tai nghe với âm lượng quá lớn gây ra hậu quả sẽ bị xử phạt hành chính 15 Euro (tương đương khoảng 400.000 VNĐ).
Một số mức phạt thường được áp dụng
- Đi ngược chiều: 20 Euro/lần (tương đường 540.000 VNĐ);
- Đi vào làn đường cấm: 20 Euro/lần (tương đường 540.000 VNĐ);
- Xe không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm: 80 Euro/lần (tương đường 2.200.000 VNĐ);
- Vượt đèn đỏ: 60 Euro/lần (tương đương 161.000 VNĐ);
- Vượt qua rào chắn đường ray tàu hỏa: 350 Euro/lần (tương đương 9.500.000 VNĐ).
VICAT hy vọng với bài viết này, các bạn du học sinh tại Đức thường xuyên di chuyển bằng xe đạp đã cập nhật đầy đủ các quy định mới, tránh “tiền mất tật mang” chỉ vì không hiểu rõ luật khi tham gia giao thông.