Theo báo cáo của Hiệp hội Điều dưỡng Đức (bpa): Một điều dưỡng viên chuyên nghiệp tại Đức thường nhận được khoảng 4.000 Euro mỗi tháng (trước thuế) (~100 triệu đồng) ngay từ khi bắt đầu làm việc với thời gian 40 tiếng/1 tuần, 8 tiếng/ngày và 5 ngày/tuần. Mức lương này được quy định rõ ràng trên hợp đồng với nhà tuyển dụng và sẽ cần trừ đi khoảng 25 – 33% cho các loại bảo hiểm (bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí) và thuế thu nhập, nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho chính người nộp thuế.
Khánh Ly (Cựu sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, sang Đức theo chương trình chuyển đổi bằng, hiện là điều dưỡng viên chuyên nghiệp tại bang Schleswig-Holstein, Đức) cho biết: “Sau khi trừ thuế, bảo hiểm và các chi phí sinh hoạt cơ bản như tiền nhà, ăn uống, phí internet, radio… thì điều dưỡng viên có thể tiết kiệm khoảng 2.000 Euro/tháng” (hơn 50 triệu đồng).
Theo chính sách tuyển dụng công bằng tại Đức, nếu đã có bằng cử nhân điều dưỡng tại Việt Nam và sang Đức làm việc theo chương trình Chuyển đổi bằng thì điều dưỡng sẽ không phải chi trả bất kỳ khoản chi phí nào để được bố trí công việc tại Đức. Đây là quy định của Chứng chỉ Gütezeichnen mà Bộ Y tế Đức cấp cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ: cung ứng nguồn nhân lực điều dưỡng từ nước ngoài cho các cơ sở y tế tại Đức.
Thông tin về chính sách tuyển dụng công bằng và chứng chỉ Gütezeichnen được đăng tải chính thức trên Website của Bộ Y tế Đức: https://www.faire-anwerbung-pflege-deutschland.de/
Trong tương lai, các nhà tuyển dụng tại Đức cũng sẽ chỉ làm việc với các đơn vị có chứng chỉ Gütezeichnen. Điều này đồng nghĩa với việc nếu điều dưỡng viên Việt Nam lựa chọn đi theo chương trình Chuyển đổi bằng của các đơn vị không có chứng chỉ Gütezeichnen thì sẽ có thể phải đối mặt với nguy cơ “Tiền mất – Tật mang”.
Ngày 25/5 vừa qua tại Hà Nội, Hiệp hội điều dưỡng Việt Nam đã phối hợp với công ty TNHH VICAT Toàn cầu tổ chức hội thảo “Chia sẻ thông tin về điều dưỡng học tập và làm việc tại CHLB Đức: nhu cầu và triển vọng”. Từ đó làm rõ quyền lợi của điều dưỡng Việt Nam khi sang Đức làm việc theo đúng tiêu chuẩn của chứng chỉ Gütezeichnen thông qua dự án GAVIC – Chuyển đổi bằng điều dưỡng Đức.
Đây là dự án do hai công ty VICAT tại Việt Nam và Cmind tại Đức phối hợp thực hiện. Trong đó, công ty Cmind là đơn vị sở hữu chứng chỉ chất lượng Gütezeichnen do Bộ Y tế Đức cấp. Theo đó, mọi điều dưỡng viên do Cmind giới thiệu tới các cơ sở y tế tại Đức sẽ không phải chi trả bất kỳ chi phí nào. Chính nhà tuyển dụng Đức sẽ là người chi trả toàn bộ chi phí cho quá trình chuyển đổi bằng bao gồm: Chi phí học tiếng Đức, xử lý hồ sơ, lệ phí xin Visa, vé máy bay…
Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế Đức, Hiệp hội Điều dưỡng Đức (bpa), Hội đồng Y khoa quốc gia cùng các trường CĐ/ĐH đào tạo điều dưỡng trên toàn quốc với tổng số 60 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 800 đại biểu tham dự online qua Zoom.
Cũng tại Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam với công ty TNHH VICAT Toàn Cầu, đánh dấu việc triển khai rộng rãi dự án GAVIC tới các điều dưỡng viên và sinh viên điều dưỡng trên toàn quốc.
Th.S Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam chia sẻ thêm “Hiệp hội sẵn sàng vào cuộc với mục tiêu cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để điều dưỡng Việt Nam sang Đức làm việc được an toàn và được bảo vệ quyền lợi. Bởi đó chính là sứ mệnh của Hiệp hội.”
Như vậy, sau tốt nghiệp CĐ,ĐH điều dưỡng tại Việt Nam, chỉ với 6 – 10 tháng tham gia chương trình Chuyển đổi bằng tại Đức, điều dưỡng sẽ được nâng cao năng lực chuyên môn và đảm bảo cơ hội việc làm đi cùng quyền lợi tốt nhất. Với dự án GAVIC, thách thức về bài toán đầu ra cho các cơ sở đào tạo điều dưỡng Việt Nam, thách thức về chi phí và quyền lợi cho điều dưỡng viên mong muốn sang Đức làm việc đều được giải quyết triệt để.
https://tienphong.vn/mien-phi-sang-duc-lam-dieu-duong-nhan-luong-khung-post1641687.tpo