Tương tự như mọi ngành nghề khác, điều dưỡng cũng tồn tại một số mặt trái nhất định mà bạn nên tìm hiểu và chấp nhận trước khi quyết định gắn bó với con đường này một cách lâu dài. Đặc biệt là khi bạn chọn phát triển công việc điều dưỡng ở nước ngoài như Đức thì khó khăn bạn cần đối mặt có thể sẽ nhiều hơn một chút.
>> 4 lý do bạn nên chọn nghề điều dưỡng viên
Nghề điều dưỡng đòi hỏi thể lực cao
Công việc điều dưỡng không đứng một chỗ mà buộc bạn phải hoạt động tay chân liên tục đúng nghĩa đen gồm đi, đứng và chạy khắp nơi trong bệnh viện. Vì yêu cầu công việc, đôi khi bạn buộc phải khiêng hoặc đỡ những bệnh nhân có cân nặng lớn hơn mình nhiều lần. Thể trạng của người Đức chắc chắn là to lớn hơn người Việt nên bạn cần chuẩn bị tinh thần. Nếu không tính thời gian tăng ca, điều dưỡng viên ở Đức vẫn chỉ phải làm việc khoảng 8 tiếng 1 ngày như các công việc văn phòng khác.
Tuy nhiên với những ca trực đêm từ tối hôm nay đến rạng sáng hôm sau mà bạn vẫn phải vận động liên tục như vậy thì chắc chắn phải cần một thể lực thật tốt thì mới đủ sức thích nghi và đảm bảo chất lượng công việc. Công việc điều dưỡng không có ngày làm việc và ngày nghỉ cố định mà sẽ linh động tùy vào từng thời điểm. Chẳng hạn như điều dưỡng viên có thể phải làm việc liên tục trong 7 đến 10 ngày rồi sau đó mới được nghỉ bù. Chủ động tìm cách tập luyện thể dục thể thao trong quá trình làm việc là cách tốt nhất để nâng cao sức bền để làm việc một cách hiệu quả. Ngoài ra các bạn cũng có 24 tới 30 ngày nghỉ phép có lương trong 1 năm để nghỉ ngơi để cân bằng cuộc sống.
Áp lực công việc không hề nhỏ
Không chỉ liên tục vận động chân tay, điều dưỡng viên còn phải động não không ngừng để đưa ra các quyết định mang tính sống còn. Tính chất công việc liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên bạn không những phải suy nghĩ nhiều mà còn phải phản ứng nhanh nhạy và chính xác. Đây là lý do bạn cần phải thực sự nghiêm túc trong quá trình học nghề điều dưỡng ở Đức vì chỉ cần một thao tác sai có thể khiến bệnh nhân mất mạng.
Nếu là điều dưỡng viên chuyên nghiệp tại Đức thì bạn còn có quyền chỉ huy và giao việc cho các phụ y tá cũng như các thực tập sinh. Quyền hạn thường đi đôi với trách nhiệm nên bạn sẽ phải hướng dẫn và điều chỉnh cách làm việc của nhân viên khác để mọi việc trong khu vực bạn quản lý được trơn tru.
Trong một số trường hợp, điều dưỡng viên có thể sẽ phải nhận trách nhiệm và chịu một số hình phạt tương ứng khi gây nên các hậu quả nghiêm trọng. Gánh nặng công việc khá lớn nên dẫn đến áp lực tinh thần của nghề điều dưỡng không nhỏ. Nếu muốn chăm sóc bệnh nhân được tốt thì bạn phải chăm sóc sức khỏe và tinh thần bản thân thật tốt.
Nguy cơ nhiễm bệnh lớn
Môi trường làm việc tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nên điều dưỡng nằm trong nhóm dễ nhiễm các loại bệnh nhất. Tiếp xúc với bệnh nhân không chỉ đơn giản là trò chuyện hay thăm khám và chữa bệnh mà bạn còn phải trực tiếp xử lý chất thải cá nhân, tắm rửa cho bệnh nhân và nhiều đầu việc lặt vặt khác liên quan đến mầm bệnh. Dù cảm thấy bất tiện thế nào khi thực hiện công việc thì bạn cũng không được phép tỏ vẻ khó chịu để giữ vững thái độ tôn trọng người bệnh đúng với đạo đức nghề nghiệp. Để hạn chế tối đa mọi rủi ro, điều dưỡng viên phải luôn áp dụng các biện pháp bảo hộ cần thiết và nghiêm túc chấp hành các quy tắc an toàn khi hành nghề. Ngoài ra, các điều dưỡng viên sẽ được khám bệnh thường xuyên, tiêm phòng miễn phí, tham gia các khóa học để biết cách tự bảo vệ cá nhân mình và bệnh nhân.
Vẫn phải làm việc vào ngày lễ
Bệnh tật của con người không bao giờ chọn thời điểm nên làm điều dưỡng viên đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận vẫn đến bệnh viện nếu có ca trực vào các ngày nghỉ toàn quốc bất chấp mọi điều kiện thời tiết. Dù các hoạt động có bị hủy vì bão tuyết hay tương tự thì điều dưỡng viên vẫn phải đi làm vì những dịp này thường có người gặp tai nạn hay chấn thương nhiều hơn cả. Các lễ hội phổ biến như Giao thừa hay Giáng sinh cũng không có gì khác khi điều dưỡng viên vẫn phải đi làm nếu không tìm được người thay ca. Giải pháp cho việc này là các điều dưỡng viên trong công ty sẽ thay nhau nghỉ lễ để tránh tình trạng thiếu nhân lực ngắn hạn.
Dễ bị chấn thương
Chăm sóc bệnh nhân đòi hỏi bạn phải hoạt động tay chân nên từ đó tỉ lệ bị chấn thương cũng nhiều hơn. Các nghề lao động khác chỉ phải tiếp xúc với các vật dụng vô tri vô giác nên thường dễ kiểm soát rủi ro và đảm bảo an toàn. Trong khi đó, điều dưỡng viên có trách nhiệm chăm lo cho bệnh nhân với tâm lý khó lường và thể trạng bất ổn nên họ có thể vô tình khiến bạn bị chấn thương lúc nào không hay. Chẳng hạn như khi bệnh nhân co giật tay chân không thể kiểm soát thì điều dưỡng viên phải dùng sức kềm lại thật chặt nên đồng thời cơ thể cũng bị ê ẩm do chịu tác động lực đột ngột. Hoặc nếu bạn không đủ sức đỡ bệnh nhân thì cả hai sẽ cùng té gây nên chấn thương một cách bất ngờ. Vậy nên quản lý của công ty thường cố gắng chia việc phù hợp với khả năng và sức khỏe của các cá nhân. Họ sẽ thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn thêm cho các bạn vấn đề chuyên môn để hạn chế mọi rủi ro.
Bất đồng văn hóa và ngôn ngữ
Đồng hương tiếp xúc với nhau đôi khi còn có xung đột thì làm việc ở môi trường nước ngoài chắc chắn sẽ tồn tại một số rủi ro về bất đồng văn hóa mà điều dưỡng viên nào cũng cần đối mặt. Bệnh nhân có thể sẽ tỏ vẻ không thích điều dưỡng viên vì tiếng Đức chưa tốt hoặc chỉ đơn giản vì bạn là người nước ngoài. Bạn cũng có thể gặp trở ngại trong việc giao tiếp với đồng nghiệp khi năng lực ngoại ngữ còn hạn chế hoặc chưa quen với cách thức làm việc. Trong một số trường hợp, bạn còn có thể bị bắt nạt hay bị phân biệt đối xử mà không thể phản kháng do thiếu sự hiểu biết về cuộc sống lẫn luật pháp ở Đức.
Phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề là trình báo sự việc lên cấp trên để họ giúp bạn xử lý bằng cách luân chuyển vị trí cho phù hợp. Bạn không nên cố gắng chịu đựng trong những trường hợp này vì nếu xung đột quá lớn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cả sự an nguy của bạn. Đừng quên VICAT sẽ luôn đồng hành cùng bạn trong quá trình làm điều dưỡng ở Đức để tư vấn và giúp đỡ trong mọi trường hợp bất đồng văn hóa hay ngôn ngữ.