Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin bạn cần biết về việc học dự bị (Studienkolleg – STK) khối xã hội G-Kurs như định nghĩa, các môn học phổ biến và những lưu ý quan trọng. Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo với hy vọng sẽ phần nào giúp ích cho các bạn có dự định học khối G-Kurs ở Đức. Nhìn chung học dự bị khối ngành xã hội ở Đức không dễ vì đòi hỏi trình độ tiếng cao nên bạn cần một sự quyết tâm và chăm chỉ rất lớn thì mới có thể chinh phục được.
G-Kurs Studienkolleg là gì?
G (Geisteswissenschaftliche) Kurs là một lớp dự bị dành cho các bạn muốn học các ngành liên quan đến khối xã hội và nhân văn ở hệ đại học của Đức. Ví dụ như nếu bạn muốn học đại học ngành sư phạm, ngôn ngữ, truyền thông, thiết kế hay lịch sử thì bắt buộc phải học dự bị khối G-Kurs. Đối với một số bạn ở Việt Nam, G-Kurs có thể là một lựa chọn không quá phổ biến vì mọi người thường quan tâm về những ngành học về Kinh tế hay Kĩ thuật hơn.
Giới thiệu một số chương trình dự bị đại học ở Đức có G-Kurs
-
Chương trình dự bị đại học tại Hamburg:
Để đăng ký thi STK tại Hamburg, trước hết bạn cần có bằng B2. Đây là một trong những nơi hiếm hoi tại Đức yêu cầu bằng B2 trong khi các chỗ khác chỉ cần bằng B1
-
Chương trình dự bị đại học tại Mainz:
Có thể xem nơi đây có thời gian học dự bị ngắn nhất nhì ở Đức vì chỉ kéo dài 3 tháng nếu không tính các kì nghỉ. Chương trình này phù hợp với những bạn muốn rút ngắn thời gian học dự bị để mau chóng học đại học. Vì thời lượng khóa học ngắn nên bạn phải học vất vả hơn. Chương trình dự bị tại đây không thông qua bất kỳ cơ quan trung gian kiểm duyệt nào nên bạn phải gửi hồ sơ trực tiếp đến ban tuyển sinh để họ xét duyệt. Nếu bạn muốn học ở Mainz thì hãy đăng ký sớm vì quá trình kiểm duyệt diễn ra khá lâu.
-
Chương trình dự bị đại học tại Nordhausen:
Chương trình này có đến một nửa số lượng học sinh là người Việt nên đây là địa điểm học dự bị ở Đức được cộng đồng người Việt yêu thích nhất. Xin giấy thi STK ở Nordhausen rất dễ và nhanh, thông thường bạn chỉ cần đợi 2 ngày sau khi nộp hồ sơ là đã nhận được giấy báo
>> 3 lộ trình du học Đức nghề điều dưỡng Đức với A2, B1 và B2
Sơ lược về các môn học trong khối xã hội G-Kurs
Tùy vào từng chương trình dự bị đại học ở mỗi nơi mà môn học sẽ khác nhau nhưng nhìn chung bạn sẽ có thể bắt gặp các môn như sau:
- Tiếng Đức (Deutsch): Bạn sẽ phải luyện đọc viết và ngữ pháp nhiều hơn các khối khác. Bạn nên chuẩn bị tinh thần sẽ phải viết luận nhưng đừng quá lo lắng vì chương trình đào tạo sẽ hướng dẫn cho bạn từng bước. Nếu có thể, bạn nên chăm chỉ giơ tay phát biểu trong giờ học vì một số nơi có tính điểm tham gia đóng góp vào bài giảng.
- Lịch sử (Geschichte): Lịch sử Việt Nam vốn đã khó học rồi nên việc học Sử bằng tiếng Đức chắc chắn sẽ không hề dễ dàng. Trong môn Sử bạn nên cố gắng nắm bắt tốt tất cả những sự kiện và phải biết các tổng hợp tất cả các dữ liệu một cách khoa học. Bạn có thể sẽ được yêu cầu tổng hợp lại nội dung bài giảng trong tiết học trước để đủ điều kiện thi tốt nghiệp cuối kì.
- Văn học (Literatur): Bạn sẽ phải phân tích văn học Đức trong môn này. Điểm của các bạn sẽ phụ thuộc vào độ khó dễ của từng giáo viên và tác phẩm bạn phải học. Khi bạn viết luận, đừng cố gắng viết quá hoa mỹ mà nên tập trung vào những vấn đề chính một cách mạch lạc và dễ hiểu.
- Xã hội Đức (Sozialkunde): Môn này cung cấp cho bạn kiến thức về cuộc sống nước Đức như các Đảng, Hiến pháp và bầu cử. Bạn nên chuẩn bị bài trước ở nhà và chăm chỉ đọc báo Đức nhiều nhất có thể để có thể hiểu được thầy cô giảng gì. Đừng quên tích cực phát biểu nữa vì có tính điểm chuyên cần. Đây là một trong những môn giúp ích cho bạn nhất khi sinh sống và học tập ở Đức.
- Tiếng Anh (Englisch): Lớp này sẽ có bài kiểm tra đầu vào để xếp lớp cho bạn đúng trình độ. Trình độ càng cao thì việc học sẽ càng khó hơn. Bạn có thể phải thảo luận về các chủ đề khác nhau hoặc đọc sách rồi thuyết trình về cuốn sách đó. Nếu bạn đã từng ôn thi IELTS với TOEFL ở Việt Nam thì không cần phải lo lắng gì cả. Một số nơi thậm chí còn không tính điểm và không tổ chức thi nên bạn đến học vì đam mê là chính.
- Ngôn ngữ học (Sprachwissenschaft): Bạn sẽ được học về đặc điểm ngôn ngữ của một số nước, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ và ngôn ngữ cơ thể. Nói chung ban đầu mọi thứ cũng rất khó để hiểu, nhưng học dần sẽ quen thôi.
- Tin học cơ sở (Informatik): Bạn sẽ được dạy tất cả mọi thứ về tin học văn phòng, nói chung đi học như đi chơi.
>> 6 kỹ năng mềm du học sinh ngành điều dưỡng ở Đức cần có
Một số điều bạn cần lưu ý khi còn ở Việt Nam
Bạn nên xác định trước là mình muốn học ngành gì khi sang Đức để chọn ngành phù hợp khi còn ở Việt Nam. Ví dụ nếu bạn muốn học ngành về kinh tế như Marketing ở Đức thì nên đăng ký thi các ngành tương tự ở Việt Nam chứ không nên chọn các ngành liên quan đến văn học xã hội. Vì khi bạn nộp hồ sơ vào STK, ban tuyển sinh sẽ dựa theo trường đại học bạn đã chọn tại Việt Nam để xét duyệt khối học của bạn. Không phải bạn nộp hồ sơ ngành nào là họ sẽ cho phép thi ngành đó.
Bên cạnh đó, điểm thi đại học ở Việt Nam cũng rất quan trọng vì ban tuyển sinh sẽ lấy số điểm trung bình cộng của điểm tuyển sinh STK và điểm thi đại học ở Việt Nam. Nhiều bạn ở Việt nam không biết đến điều này nên không chú tâm thi đại học, từ đó gặp trường hợp là dù điểm STK rất cao nhưng điểm trung bình lại không đủ để vào được những ngành mình mong muốn.
Tác giả: Thanh Châu
- Tốt nghiệp STK Nordhausen khối G
- Hiện là sinh viên HAW Hamburg ngành Medien Information