Có thể thấy rằng, khối ngành xã hội nhân văn (G-Kurs) vốn không phải là lựa chọn phổ biến với các bạn du học sinh Việt Nam ở Đức. Ngoài ra trên mạng cũng không nhiều bài viết chia sẻ kinh nghiệm học các ngành này. Mình tin là nhiều bạn sắp hoặc mới bắt đầu theo học khối G không khỏi lúng túng. Bài viết dưới đây sẽ cho cung cấp cho bạn cái nhìn cả khách quan lẫn chủ quan của tác giả sau 1 năm học G-Kurs tại Studienkolleg Hamburg. Thông tin trong bài viết tuy chỉ mang tính chất tham khảo, và chưa chắc sẽ phù hợp với những bạn không học ở Hamburg, song hy vọng sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn đang hoặc muốn học G-Kurs ở dự bị.
1. Giới thiệu về G-Kurs của STK Hamburg
Thông tin về G-Kurs nói chung chắc các bạn cũng đọc rồi nhưng cho phép mình được nhắc lại. G-(Geisteswissenschaftliche) Kurs là lớp cho những bạn đang học STK muốn học đại học các ngành liên quan tới xã hội và nhân văn. Phần lớn những bạn học G-Kurs ở STK Hamburg sẽ đăng ký nhập học vào Universität Hamburg. Lý do là vì đây đa phần các chuyên ngành có trong Angebot của Uni có liên quan tới xã hội nhân văn, hầu hết những ngành đó Zulassungsfrei cho sinh viên nước ngoài; chưa kể khi nộp đơn vào Uni sinh viên nước ngoài nếu tốt nghiệp STK Hamburg còn được cộng Bonuspunkte vào điểm tốt nghiệp ở STK nữa. Các ngành trong Uni Hamburg liên quan đến G-Kurs các bạn có thể xem tại đường link này. Ngoài ra thì những bạn có ý định học HAW cũng có thể đăng ký các ngành thuộc Fakultät Design, Medien und Information hoặc thậm chí là Wirtschaft und Soziales mà theo mình nghĩ là gần với G-Kurs nhất.
Các môn được giảng dạy ở G-Kurs trong STK Hamburg bao gồm
- 3 môn thi viết bắt buộc : Deutsch (5 tiết/ tuần), Literatur (3 tiết/ tuần) và Geschichte (3 tiết/ tuần)
- 2 môn thi nói : Englisch (3 tiết/ tuần) và Sozialkunde (2 tiết/ tuần) – chọn 1 trong 2 môn để thi, môn còn lại sẽ tính điểm tổng kết trên lớp làm điểm tổng kết môn đó.
Các môn phải thi sẽ lấy điểm trên lớp cộng với điểm thi chia đôi ra điểm tổng kết môn.
Ngoài ra khi học G-Kurs bạn sẽ phải học 1 tiết 1 tuần của môn tên lả ITG (viết tắt của Informationstechnologische Grundbildung dịch ra nôm na là „Tin học cơbản“), dù là môn học bắt buộc và có kiểm tra đàng hoàng nhưng không tính điểm mà chỉ ghi trong tờ giấy tốt nghiệp STK là „có tham gia“ môn này. (Và theo như nhận xét của gần như tất cả những ai phải học môn này thì đến giờ họ vẫn không hiểu tại sao phải học và học để làm gì, hy vọng về sau sẽ có thay đổi cho môn này ^^)
2. Chia sẻ một số kinh nghiệm học G-Kurs ở STK Hamburg
Về phần này mình đã phải cố gắng cân nhắc kỹ để sao cho những chia sẻ này có thể giúp ích được cho các bạn, song cũng còn tùy vào hoàn cảnh mỗi người và cũng tùy cách dạy của giáo viên mỗi lớp nữa. Những chia sẻ này mình không dám gọi là „phương pháp học tập“ vì nghe nó to tát quá, bản thân mình cũng phải sau vô số lần ngắc ngoải vì gặp nhiều khó khăn cho việc học trên lớp đến lúc gần thi FSP đến nơi mới dần dần nghiệm ra. Và những kinh nghiệm này mình nghĩlà có thể không phù hợp lắm với những bạn học lực thuộc dạng „con nhà người ta“ hay may mắn học giáo viên chấm điểm dễ, chủ yếu là dành cho những bạn học lực bình thường trở xuống mà chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp để được nhận vào Uni giống mình thôi ha. Các bạn cũng đừng áp dụng những kinh nghiệm đó lúc học Uni nhé ^^!
Môn Englisch chắc các bạn nắm quá rõ nếu như đã học trong trường hoặc ôn thi IELTS với TOEFL ở Việt Nam rồi nên mình không cần phải nói.
Môn Deutsch cách dạy và học sẽ khác so với khi bạn học ôn thi lấy chứng chỉ ở viện Goethe. Môn này tuy khi thi FSP đề trường ra chung cho tất cả 4 khối và cách chấm điểm cũng vậy, nhưng cách dạy và ra đề kiểm tra trên lớp mỗi khối (và mỗi lớp) là khác nhau. Riêng khối G khi học môn này (theo mình) phải luyện đọc viết và học ngữ pháp nhiều hơn cả. Với nhiều bạn thì đây là môn „ác mộng“ nhưng với nhiều người Việt Nam thì đây thường là môn được điểm cao hơn các môn khác. Cách học môn này mình nghĩkhông quá khó khăn với sinh viên nhà mình, song cũng xin bày một chút: Trước khi thi FSP các bạn sẽ có có một kì thi thứ môn này cho toàn trường (Probeklausur) và giáo viên bộ môn cũng sẽ cho bạn những đề luyện lấy từ FSP năm trước để luyện. Hãy để ý nội dung (chủ yếu là thuộc chủ đề Studium) và các form câu hỏi thường được ra trong đề Leseverstehen và Hörverstehen, đặc biệt là chú ý biểu điểm và coi dạng câu hỏi nhưthế này thường chiếm bao nhiêu điểm trong bài thi. Nếu có thời gian thì bạn cũng có thể nhờ bạn bè của bạn chọn Artikel trên mạng rồi ra đề cho bạn làm, đặt biểu điểm để chấm xem bạn được bao nhiêu điểm. Thi viết hơi khó để tự học nhưng bạn cũng có thể tự làm các đề Schaubildbeschreibung hay Erörterung ở nhà rồi nhờ giáo viên bộ môn hay bạn bè sửa giúp nếu được.
Môn Sozialkunde (hay còn gọi là môn Xã hội học) ban đầu có bạn sẽ cảm thấy choáng khi phải học môn mà chưa từng nghe thấy bao giờ. Và có những thuật ngữ ở môn này mà nếu bạn không có nắm được một chút về Politiksystem ở Đức thì học môn này như„đàn gảy tai trâu“ (nhưmình, vâng.) Môn này lúc đầu có thể là „thảm họa“ đối với bạn nếu tiếng Đức của bạn chưa tốt. Nhưng theo nhưkinh nghiệm của nhiều người thì bạn chỉ cần chăm chỉ đọc giáo trình của môn này rồi ghi nhớ là có thể hiểu. Đặc biệt là hãy chuẩn bị bài trước ở nhà, nếu chăm đọc báo mạng Đức thì càng tốt, để trên lớp có thể phát biểu được vì với môn này điểm chuẩn bị với phát biểu xây dựng bài (nôm na là „điểm chuyên cần“) chiếm tới 60% số điểm trên lớp và nếu có thi FSP môn này cũng là thi nói nữa.
Môn Geschichte cũng là một trong những môn khó nhất của G-Kurs. Cái khó của môn này không nằm ở nội dung chương trình dạy mà là ở cách học với cách hiểu để làm bài thi. Nội dung chương trình dạy theo mình không khó vì bạn không phải học toàn bộ sự kiện trong tất cả các thời kỳ lịch sử nước Đức, mà mỗi giáo viên sẽ chọn một hay một vài sự kiện hoặc thời kì tiêu biểu để học. Nội dung thi cũng chỉ bám vào những kiến thức đã học trên lớp chứ không hề có kiến thức nâng cao. Tuy nhiên học môn Sử ở STK không giống nhưở Việt Nam khi học sinh nhà mình vốn quen học thuộc lòng những gì có trong SGK hoặc do giáo viên cho chép rồi cứ thế khi thi mà sao y, mặc dù ở STK Hamburg cũng có giáo viên dạy theo cách như vậy thật. Mục tiêu của môn Sử trong STK là bạn phải hiểu được những gì cơ bản nhất, phân tích đánh giá được về sự kiện lịch sử bạn đã học và phải biết cách tổng hợp Material. Thường giáo viên khi chọn một sự kiện lịch sử nào đó sẽ phát rất nhiều tư liệu. Các tư liệu đó không hề được trích chung từ một nguồn, và mỗi tư liệu lại cho một thông tin riêng biệt không có sự kết nối liền mạch với các tư liệu còn lại. Điểm chung ở các tư liệu là đều liên quan tới sự kiện lịch sử bạn đang học. Bạn sẽ phải đọc các tưliệu được phát, hiểu nội dung tư liệu đó nói gì và tổng hợp chúng lại tự sắp xếp các thông tin với nhau. Cách học đó mình thấy giúp nhớ lâu hơn và hiểu tốt hơn, và có thể sẽ rất hữu ích cho việc học ở Uni nữa. Giáo viên cũng sẽ giúp bạn tóm lược lại nội dung những gì cần nắm được ở sự kiện lịch sử này. Thi môn Sử ở STK cũng giống nhưthi môn Văn, thay vì trả lời câu hỏi kiểu gạch đầu dòng thì bạn phải viết đầy đủ thành đoạn đàng hoàng (tất nhiên khi thi Sử bạn không phải viết chau chuốt nhưthi Văn.) Trong đề thi sẽ có tư liệu trích dẫn liên quan đến lịch sử bạn đã học, sau khi đọc hiểu tư liệu xong bạn phải trả lời 3 câu hỏi (Anforderungsbereich I, II, III) liên quan đến tư liệu và sự kiện lịch sử liên quan. Điểm đặc biệt cần lưu ý khi làm bài thi môn này là bạn cần phải đọc kĩcác AFB (giáo viên bộ môn sẽ hướng dẫn cho bạn các thao tác làm bài với AFB Operatoren nhưng có thể tham khảo ở đây http://wikis.zum.de/zum/Operatoren_im_Geschichtsunterricht). Trước khi trả lời câu hỏi hãy lập dàn ý mở-thân-kết, tránh rơi vào tình trạng trả lời sai với ý câu hỏi được đặt ra (ví dụ đề bài bảo bạn einordnen ( sắp xếp sự kiện lịch sử theo trình tự) nhưng bạn lại zusammenfassen (tóm tắt nội dung được nói trong tư liệu)).Đây là kinh nghiệm xương máu của mình với môn này khi nhiều lần thi Klausur bị trừ rất nhiều điểm vì không hiểu AFB Operatorlà gì, các hỏi AFB cũng rất rắc rối và dễ nhầm lẫn là vì thế. (May mắn đến lúc thi FSP mình kịp nhận ra và cuối cùng môn này từ trong năm học là môn có nguy cơ tạch đến khi thi thành môn điểm cao nhất luôn hehe.) Viết ra thì quá dài dòng, song tóm lại có 2 điều then chốt các bạn cần lưu ý ở môn này đó là biết cách sử dụng tưliệu và làm bài trả lời đúng trọng tâm câu hỏi được đặt ra.
Và môn cuối cùng, chắc là môn đáng sợ nhất với tất cả các bạn Việt Nam lẫn nước ngoài, đó là… Literatur. Đây là môn thử thách tiếng Đức của bạn nhiều nhất. Khi phát một tác phẩm văn học bạn đặc biệt phải hiểu từ ngữ (có rất nhiều từ cổ hay những từ hoa mĩtrong tiếng Đức mà bạn bắt buộc phải tra từ điển) và bối cảnh trong truyện để hiểu nội dung của tác phẩm. Khi làm bài bạn cực kì phải cẩn trọng tối đa trong cách dùng từ và cấu trúc ngữ pháp. Và cũng là môn có độ may rủi cao nhất tùy thuộc vào tác phẫm bạn phải học và nhất là tùy vào độ khó dễ của giáo viên. Rất khó để chia sẻ bí quyết học tốt môn này ở STK, nhưng mình cũng có chút lưu ý. Với môn này thay vì phải học thuộc thơhọc thuộc dẫn chứng trong truyện nhưở Việt Nam, bạn được phép mang tác phẩm vào phòng thi và được phép dùng bút đánh dấu trích dẫn và được ghi chú thích (notizen) trong trích dẫn (miễn là đừng mang theo văn mẫu là được.) Thi văn ở STK cũng không bắt bạn phải phân tích nghệ thuật từng chi tiết hay cái gì đó cao siêu trong tác phẩm. Có điều khi làm bài có lẽ các bạn nên thực dụng hơn, mọi „sáng tạo“ và „cảm xúc“ trong văn học tạm gác lại không nên áp dụng vào bài thi văn ở STK – điều này chắc sẽ khiến những bạn yêu thích văn học cảm thấy hụt hẫng. Trước hết hãy đảm bảo khi thi bạn có đủ 30 phút để đọc đề với tác phẩm và 3 tiếng để viết với soát lại bài. Cũng giống môn Sử, môn Văn cũng có 3 câu hỏi theo kiểu AFB Operatoren (xem tại đây http://wikis.zum.de/zum/Operatoren_im_Deutschunterricht.) Hãy bám sát và trả lời đúng câu hỏi đã đặt ra, đặc biệt phần mở bài không dẫn dắt dài dòng nhưmình quen „chém gió“ khi còn ở Việt Nam mà phải vào vấn đề luôn. Mình đã từng quen mui khi mở bài kiểu „Nhà văn ABCD là cây đại thụ văn học Đức thời kỳ những năm XXXX-YYYY. Ngòi bút của ông hướng tới hình ảnh những con người bô lô ba la thể hiện quan điểm tùm lum tá lả trong sáng tác. Truyện „JQKA“ của ông là tác phẩm tiêu biểu cho quan điểm nghệ thuật đặc sắc đó. Cuộc đời của nhân vật blah blah blah trong truyện đại diện cho tầng lớp thống khổ của con người xì xà xì xồ đương thời. Và nhân vật ấy nhưđược ngòi bút tác giả phủ lên một vầng hào quang bởi vẻ đẹp bồ lồ bà lá thể hiện trong chương II của tác phẩm.“ Kết quả là mình bị cô giáo phê một dấu hỏi to đùng trong phần mở bài (mặc dù chính bài đó mình lại được điểm cao.) Tốt nhất là khi đề bài hỏi giả dụ „Phân tích đoạn trích trong chương II của tác phẩm „JQKA“ của tác giả ABCD“, hãy bám sát mà mở bài cụ thể, chẳng hạn như„Đoạn trích dưới đây nằm trong tác phẩm „JQKA“ của tác giả ABCD. Nội dung chính của đoạn trích này là blah blah blah. Sau đây đoạn trích này sẽ được phân tích nhưthế này chấm xuống dòng.“ Thân bài cũng nên chỉ phân tích vừa đủ yêu cầu,không nên viết dài phân tích lan man vừa tốn thời gian và vừa dễ bị lạc đề. Kết bài với AFB I không cần, AFB II chỉ nên tóm lược lại nội dung chính, AFB III có nêu đánh giá. Tất nhiên khi làm bài thì sẽ rất khó mà tránh khỏi sơsuất khi viết văn cũng nhưtùy giáo viên chấm mà điểm bạn sẽ cao hay thấp. Song những lưu ý trên mình hy vọng sẽ giúp bạn ít nhất „sống sót“ được với môn này. Ngoài ra với tác phẩm phải học bạn cũng có thể mượn thư viện những sách Sekundärliteratur hướng dẫn phân tích tác phẩm (hay còn gọi là sách “Để học tốt Ngữ văn”) để tham khảo. (Cá biệt giáo viên mình còn photo toàn bộ sách văn mẫu rồi bảo lớp mình là “Các em tự đọc văn mẫu rồi tự notizen vô tác phẩm sau đó lên lớp phát biểu/học thuộc để còn thi nhé.”) Tuy nhiên không được áp dụng cách này khi bạn theo ngành văn học ở Uni nếu bạn không muốn bị coi là “đạo văn” hehe.
Nhìn chung việc học ở G-Kurs yêu cầu bạn trước đó có một trình độ tiếng Đức nhất định, nếu không lúc mới vào học sẽ cực kì căng thẳng. Đương nhiên là bạn sẽ phải đọc và viết nhiều khi học khối G. Ngoài ra, chăm chỉ với tiếp thu kiến thức tốt thôi chưa đủ, bạn còn phải có nhiều “thủ thuật” trong quá trình học cũng nhưhiểu yêu cầu của giáo viên để đạt điểm cao. Cách tốt nhất khi học G-Kurs đầu tiên là bạn cần sắp xếp thời gian biểu hợp lý, lúc học cố gắng học bằng tiếng Đức (đặc biệt là khi đọc) dù có khó đến mấy cũng đừng để phân tâm suy nghĩ sang việc khác dẫn đến hao tốn thời gian cũng như sự tiếp thu kém hiệu quả. (Một mẹo trong khi đọc tiếng Đức là khi đọc, bên cạnh việc notizen các chi tiết quan trọng, hãy tập chia text thành các Absatz nhỏ, mỗi Absatz bạn cho một cái Titel vắn tắt nội dung trong Absatz đó. Sau đó tổng hợp hết các Titel lại với nhau, thế là bạn đã tự hiểu được nội dung chính của Text rồi đấy). Cũng đừng quên trau dồi vốn tiếng Đức, nhất là luyện viết và ngữ pháp tiếng Đức trong suốt thời gian học STK nhé.
3. Cảm nhận riêng của người viết về việc học G-Kurs ở STK Hamburg
Cũng giống nhưhầu hết các bạn học G-Kurs ở STK Hamburg, 1 năm học G-Kurs đã tạo cho mình động lực học để… mau bay khỏi STK càng nhanh càng tốt, mặc dù biết học Uni còn khốn đốn hơn. Thực sự thì những gì học trong STK không áp dụng được mấy trong Uni kể cả kiến thức lẫn kĩnăng. Còn nhiều bất cập trong chương trình dạy học khối G ở STK, ngay cả chính giáo viên mình cũng công nhận. Điều đó cũng phần nào lý giải được, thực sự rất khó để có thể dạy các kiến thức xã hội theo hệ thống giáo dục Đức cho người nước ngoài nhưchúng mình chỉ trong vòng 1 năm, khi các kiến thức đó hoàn toàn xa lạ, phương pháp dạy hoàn toàn khác và còn được dạy bằng tiếng không phải tiếng mẹ đẻ. Cách đánh giá người học vì thế cũng sẽ khó mà công tâm được. Nói về điểm số, một trong những lý do ít người học G-Kurs một phần là điểm tốt nghiệp khối G thường thấp hơn cho với khối T, khối W, đặc biệt là với người Việt thường có điểm tốt nghiệp khối T và W rất cao. Chưa kể khi học khối G tình trạng học lại hoặc bị trượt STK cũng không ít. Bởi vậy trong STK Hamburg thường chỉ có 1 lớp G-Kurs và không nhiều người Việt (dù đợt của mình lần đầu tiên có 2 lớp G và người Việt học G nhiều nhất.) Riêng mình còn phải học bởi đội ngũgiáo viên “nổi tiếng” dạy khó và cho điểm còn khó hơn.(Điển hình là học kì 1, cái học kì vốn được coi là “nhẹ nhàng, học ít chơi nhiều”, 1/4 sĩsố lớp mình phải học lại 1 kì và 1 bạn còn bị out khỏi STK luôn. Đến khi tốt nghiệp STK, không một ai trong lớp có điểm tổng kết cao hơn 2.0 mặc dù tiếng Đức và khả năng học của nhiều bạn trong lớp mình cực giỏi.) Tuy nhiên trong cái rủi cũng có cái may. Điểm số không cao phần nào giúp mình tránh khỏi ảo tưởng điểm số mà lơlà không chịu tiếp thu kiến thức. Và những bất cập kể trên tạo cho mình quen dần với cách linh hoạt trước những khó khăn trong học tập. Mình cũng dành thời gian để tìm hiểu hơn về ngành hiện tại mình theo học ở Uni lúc còn học STK. Chính vì thế mà mình vẫn cảm thấy thời gian 1 năm học G-Kurs ở STK Hamburg là không vô ích tí nào, cũng là một bước đệm giúp mình thích nghi dần trước khi học chính thức ở Uni. Dù sao thì bạn cũng chỉ học STK có 1 năm, hãy tận dụng tối đa những gì có thể giúp bạn verbessern được trước khi vào Uni.
Kết
Học khối ngành xã hội nhân văn ở STK không dễ và không nhiều người theo học. Nhưng không có nghĩa là bạn không thể học được nếu bạn quyết tâm theo đuổi lựa chọn đó. Và một khi bạn theo học được, bạn sẽ gặt hái được thành quả xứng đáng cũng nhưrút ra nhiều điều mà (mình nghĩ) chỉ học G-Kurs mới có được. Trước khi kết bài viết về G-Kurs ở STK Hamburg , mình hy vọng sẽ có nhiều bài viết chia sẻ kinh nghiệm hơn từ những người từng trải về việc học các ngành xã hội nhân văn ở Uni, đặc biệt là nhữngai học các ngành ngôn ngữ văn học và truyền thông (SLM) trong Uni Hamburg. (Hoặc là mình sẽ viết nếu sau này tự nhiên mình giỏi bất thình lình.) Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này, chúc các bạn gặp nhiều thành công trên con đường du học của bản thân.
– Hiếu Ken
Giới thiệu tác giả: Phan Quang Hiếu
– Sinh năm 1995 tại Hà Nội
– Tốt nghiệp cấp 3 tại trường THPT Chuyên Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội
– Tốt nghiệp STK Hamburg khối G
– Hiện đang là sinh viên Uni Hamburg ngành Anglistik